Tin tức

Tình yêu thương tạo cơ hội hòa nhập cho trẻ em tự kỷ

Chủ nhật, 02/04/2023 - 15:57

Cho đến nay, y học hiện đại chưa tìm ra thuốc chữa tự kỷ… Cũng không có phương pháp nào toàn diện và có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề của trẻ. Bởi vậy, với trẻ tự kỷ, tình yêu thương của mọi người là điều vô cùng quan trọng. Nhân ngày 02/04, ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, chúng ta cùng đến thăm những lớp học đặc biệt thuộc Nhà thờ Vinh Sơn (nguyện đường của các sơ Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn), hay còn gọi là Nhà thờ Mai Anh tại Thành phố Đà Lạt. Đây là một trong số 14 cơ sở bảo trợ xã hội của Lâm Đồng - Nơi chăm sóc các trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển.


Tình yêu thương tạo cơ hội hòa nhập cho trẻ em tự kỷ
 
Dù gắn bó với công việc chăm sóc những đứa trẻ từ 10 năm nay, nhưng với cô giáo Ánh Loan, mỗi tuần lên lớp vẫn phải là những giáo án mới. Một lớp học chỉ chừng hơn một chục bé, lại là hơn chục chương trình học khác nhau. Cô phải có kế hoạch tuần cho từng bé, rồi chương trình giáo dục cá nhân trong 3 tháng, không bé nào giống bé nào.

 Cô giáo Lý Thị Ánh Loan – Cơ sở chuyên biệt Mai Anh, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, nói:  Đặc điểm của các trẻ khuyết tật trí tuệ này là các bé không cùng bệnh, không có nhận thức đồng nhất với nhau. Trí não và sự phát triển của cá bé cũng khác nhau, IQ cùng khác nhau… Vì vậy trong một lớp có nhiều chương trình… Trẻ này thường có khó khăn là kém, tự ti trong giao tiếp và vấn đề trả lời câu hổi rất là khó với các bé.

Phương là học sinh lớn tuổi nhất ở lớp cô Loan cũng như trong cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật này. 15 tuổi, em cùng lớp với rất nhiều em nhỏ tuổi khác. Nhận được sự động viên của cô giáo, dù tự tin trước ống kính, nhưng đúng như cô Loan chia sẻ, việc giao tiếp của Phương cũng không hề dễ dàng. 

 

Các sơ và các cô giáo kiên trì đem đến cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống xung quanh.

Bé Cao Ngọc Diễm Phương – 15 tuổi, Cơ sở chuyên biệt Mai Anh, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, nói: Con học môn toán, học tiếng Việt và học tập làm văn…

Được thành lập từ năm 2006, ban đầu đây chỉ là lớp Khiếm thính, nhưng đến năm 2010, đã đổi tên thành Lớp khuyết tật với mong muốn hỗ trợ, chăm sóc các trẻ dạng tật ngày càng đa dạng, nhất là trẻ bị tự kỷ.

Sơ Nguyễn Thị Dương- Cơ sở chuyên biệt Mai Anh, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, bộc bạch: Khó khăn các em khuyết tật ngày càng đa dạng, nhiều lên. Về nhân sự rất khó có thể kiếm được người có tâm đến dạy, giúp các em. Vì các em rất khó trong việc dạy, từ kỹ năng, cách ăn uống cho đến cách học tập… Mặc dù có nhiều giáo viên đã học ngành này nhưng không đủ can đảm để dạy… Giáo viên cần sự nhiệt huyết, kiên trì, kiên nhẫn và yêu thương các em.

Khó khăn là vậy, nhưng bằng tấm lòng sẻ chia và tình yêu thương con trẻ của các sơ và 16 giáo viên, nơi đây được coi là một gia đình lớn của 135 em nhỏ mắc khuyết tật, nhiều nhất là trẻ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển.

Giống như các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo khác, nơi đây đã hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo tại các địa phương.

Ông Đặng Xuân Hồng – Phó trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Chính quyền tỉnh Lâm Đồng luôn luôn quan tâm tạo điều kiện tối đa, hết sức có thể để làm sao phát huy tốt vai trò đóng góp của các tôn giáo vào lĩnh vực an sinh xã hội, nhất là lĩnh vực bảo trợ xã hội.

Mỗi ngày, các sơ và các cô giáo vẫn kiên trì đem đến cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống xung quanh, về kỹ năng thiết yếu như chăm sóc bản thân, hòa nhập với bạn bè, gia đình..
Nhẫn nại và yêu thương… đó là những gì chúng tôi cảm nhận được từ con người đang âm thầm với mong muốn mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những trẻ em thiệt thòi này./. 

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng