Tin tức

Phục hồi - Tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Thứ tư, 15/03/2023 - 14:43

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển". Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Phục hồi - Tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị này là hội nghị lần thứ 3 toàn quốc về phát triển du lịch nhằm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kể từ sau Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, ngành Du lịch đã trải qua 2 năm khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19. Nhờ các quyết sách đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, dịch COVID-19 được kiểm soát.

Ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, năm 2022, thị trường du lịch Việt Nam đã từng bước được khôi phục.

Tuy nhiên, nhiều nước, thị trường, đối tác du lịch lớn, truyền thống của ta diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và phải thực hiện các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực bởi xung đột Nga-Ukraine đã làm cho du lịch nước ta gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, phân tích kỹ tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp phát triển du lịch thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, trả lời các câu hỏi về: phát triển du lịch đã đi đúng hướng, phù hợp chưa? Các bộ, ngành, địa phương đã khai thác, phát huy hết các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh du lịch chưa? Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững? Tại sao tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn thấp?...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các chính sách về phát triển hạ tầng; xúc tiến, quảng bá du lịch; đảm bảo vệ sinh, môi trường; việc phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển du lịch; chính sách visa, chính sách lao động, công nghệ... để tạo đột phá trong phát triển du lịch.

Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 22,7%/năm, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia). Trong khi đó, khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.

Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch.  Nhờ đó, năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Song lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

 
Phạm Tiếp – Minh Tiến

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng