Tin tức

Trên vùng an toàn khu Ba Tơ

Chủ nhật, 12/03/2023 - 15:22

Ngày 11.03 kỷ niệm 78 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ ( 11/3/1945-11/3/2023). 78 năm kể từ sau khởi nghĩa, Nhà nước đã công nhận di tích Khởi nghĩa Ba Tơ là di tích quốc gia đặc biệt. Đội du kích Ba Tơ được tuyên dương anh hùng và 5 xã cùng thị trấn Ba Tơ được công nhận là vùng an toàn khu thời kháng chiến chống Pháp. Vùng An toàn khu Ba Tơ giờ đã có nhiều đổi thay.


Trên vùng an toàn khu Ba Tơ 
 
Thị trấn Ba Tơ những ngày này rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ. Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ- biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng sắt son của các chiến sĩ cộng sản trung kiên và đồng bào các dân tộc trong việc vùng lên khởi nghĩa đánh đổ thực dân Pháp và chế độ phong kiến giành độc lập ở châu lỵ Ba Tơ xưa.

Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ lâu rồi là địa chỉ đỏ để các thế hệ và du khách tìm về đắm mình trong ngọn nguồn cách mạng. Hiểu rõ hơn thành quả hôm nay bắt đầu từ tinh thần đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha anh.

 

Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ là địa chỉ đỏ để các thế hệ và du khách tìm về.

Vùng An toàn khu Ba Tơ ngoài thị trấn Ba Tơ còn có các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa và Ba Thành. Những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Ba Tơ đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tạo điều kiện cho vùng quê cách mạng, vùng quê ân tình vươn lên.

Ông PHẠM XUÂN VINH-Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, chia sẻ: Huyện Ba Tơ xác định vùng an toàn khu Ba Tơ là vùng lõi để phát triển kinh tế  trên địa bàn huyện và cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử nên chú trọng đầu tư phát triển.

Con đường từ xã Ba Thành băng qua vùng căn cứ của Đội du kích Ba Tơ ở Ba Vinh, qua Ba Điền đến Thanh An (Minh Long) đã được xây dựng không chỉ đáp ứng cho việc cứu hộ cứu nạn vào mùa mưa bão mà còn là động lực để phát triển. Trên xã vùng xa Ba Giang thuộc vùng An toàn khu, một dự án tái định cư quy mô lớn trên các huyện miền núi Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng đang được xây dựng. Tất cả góp phần làm đổi thay diện mạo vùng An toàn khu Ba Tơ.

Người dân vùng An toàn khu phát huy truyền thống của quê hương, tích cực trồng rừng, phát triển sản xuất. Những khu đồi trọc ngày xưa giờ thành rừng keo bạt ngàn. Mùa thu hoạch gỗ keo kéo dài quanh năm.

Anh PHẠM VĂN CHUNG -Xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, nói: Mình có 2 rẫy keo trồng hơn 8000 cây. Tiền thu hoạch bán keo để làm nhà cho con ăn học.

 

Người dân tích cực trồng rừng, phát triển sản xuất.

Cũng nhờ việc phát triển nguyên liệu gỗ keo nên ở Ba Động thuộc vùng An toàn khu Ba Tơ đã hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ dăm, gỗ thanh, váng lạng phát triển nhất trong các huyện miền núi ở Quảng Ngãi.

Cùng với việc trồng rừng, trên vùng An toàn khu Ba Tơ đồng bào dân tộc tập trung phát triển chăn nuôi, phát triển đàn trâu theo hướng hàng hóa. Chương trình cải tạo đàn trâu cũng đã góp phần đáng kể để đồng bào phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả hơn.

 Anh PHẠM VĂN DÚP-Xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, kể: Ở đây bà con ai cũng nuôi trâu.  Mình nuôi trâu cho trâu ăn cỏ voi, ăn rơm cho chóng lớn bán có tiền. 

Vùng An toàn khu Ba Tơ ngày càng phát triển. Cuộc sống của người dân ngày càng ổn định hơn. Tự hào với truyền thống anh hùng, người dân nơi đây càng vững tin hơn trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp.

 
Bản tin thời sự PTQ 19h30 –Quý Cầu-Thanh Trung

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng