Tin tức

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”

Chủ nhật, 05/03/2023 - 21:00

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa. Thực tế, đất nước chúng ta phát triển được như hôm nay, dân tộc chúng ta kết đoàn được như hôm nay, đó là nhờ ý chí của cả dân tộc. Mà ý chí ấy nuôi dưỡng được, bảo tồn được, vụt sáng được chính là nhờ dân tộc chúng ta gìn giữ được văn hóa Việt Nam.

 

 
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi Bác Hồ nói một câu như một slogan tổng kết về vai trò và trách nhiệm của văn hóa trong tiến trình phát triển của dân tộc, của quốc dân Việt Nam: “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thì câu nói ngắn gọn và đặc biệt sâu sắc ấy nói lên vai trò và tầm vóc của văn hóa đối với đời sống của một dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đó là nói về sự tồn tại của một dân tộc khi dân tộc ấy gìn giữ được văn hóa của mình.

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và 2 hội thảo quốc gia trong năm 2022: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, thì năm 2023 này kỷ niệm 80 năm bản Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 một lần nữa nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, một quốc gia.


 

 
Dân tộc Việt Nam sở dĩ “chiến thắng được nhiều đế quốc( xâm lược) to” chính là nhờ chúng ta giữ gìn được văn hóa dân tộc mình từ hàng nghìn năm nay. Từ trong lịch sử, đã bao lần kẻ ngoại xâm muốn thủ tiêu nền văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức, bằng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, nhưng đã thất bại. Văn hóa Việt Nam còn, và dân tộc Việt Nam còn.
 
Đã tới lúc, chúng ta nhìn lại và đánh giá cả một quá trình bảo vệ, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, để thấu hiểu vai trò của văn hóa dân tộc trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, trong sự phát triển các hệ giá trị của cộng đồng, trong ý thức về nguồn gốc tổ tiên người Việt, vì sao người Việt không thể bị đồng hóa, không thể bị mai một, không thể bị chia cắt thành nhiều mảnh vụn, mà luôn giữ được một khối các dân tộc đoàn kết, luôn bảo vệ được bản sắc của mình dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc.

 

Đất nước chúng ta phát triển được như hôm nay, dân tộc chúng ta kết đoàn được như hôm nay, đó là nhờ ý chí của cả dân tộc này. Mà ý chí ấy nuôi dưỡng được, bảo tồn được, vụt sáng được chính là nhờ dân tộc chúng ta gìn giữ được văn hóa Việt Nam. 
Nếu nói “văn hóa còn thì dân tộc còn”, thì phải nói sâu hơn “ tiếng Việt còn thì văn hóa còn”.

Văn hóa Việt Nam không chỉ còn, mà đã có thể lan tỏa ra thế giới từ ý chí và quyết tâm gìn giữ, lan tỏa của những con người cụ thể như thế.
Mỗi người dân Việt, tùy theo lực của mình, đều có thể góp phần bảo vệ và lan tỏa văn hóa Việt Nam. Và khi đó, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vì cả quốc dân đều góp phần thắp sáng ngọn đuốc văn hóa Việt Nam.

 
Thời sự truyền hình PTQ tối ngày 05/3/2023. Nhà thơ Thanh Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng