Tin tức

“Hãy làm gì đó” để bảo vệ động vật hoang dã

Thứ sáu, 03/03/2023 - 08:01

Gần 70% quần thể động vật đã biến mất hoàn toàn trong 50 năm qua do các hoạt động của con người. Con số mà Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đưa ra cho thấy nhân loại đang tự mình làm xói mòn nền tảng của sự sống. Bởi, bảo vệ các loài động vật hoang dã là bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người. Từ năm 2014, LHQ đã lấy ngày 03/3 là Ngày thế giới động vật hoang dã. Đây không chỉ là dấu mốc để nhắc nhở con người nhớ đến sự đa dạng của động vật hoang dã mà còn là để cùng hành động bảo vệ chúng, bảo vệ hệ sinh thái.


“Hãy làm gì đó” để bảo vệ động vật hoang dã
 
Khoảng 895.000 con tê tê đã bị các đối tượng buôn bán trái phép ở Đông Nam Á trong 20 năm gần đây.Trong  6 tháng đầu của năm 2022, đã có tới 259 con tê giác đã bị giết hại ở Nam Phi.
 
Cô Emily Angwin – Đài Al Jazeera, cho biết: “Tê giác sử dụng sừng của mình để tự vệ, để kiếm thức ăn thậm chí là để chơi đùa, nhưng  với những kẻ săn trộm thì sừng tê giác là sự kho báu. Nó được gọi là vàng xám và người ta sẵn sàng trả tới 100.000 đô la/kg.”

 Để bảo vệ những con tê giác, Nam Phi đã buộc phải cưa sừng của chúng.Mặc dù như vậy cũng là gây rủi ro cho con vật, nhưng một con tê giác bị cắt sừng sẽ ít có giá trị hơn đối với những kẻ săn trộm.
 
Anh Christiaan Rudolph Boshoff – Tổ chức Wild Game Vet, nói: “Xét về mức độ chính xác, chúng tôi vẫn giữ 1 lớp sừng cho tê giác và không gây đau. Con vật thậm chí không có vết thương nào.”

Vương quốc Anh là nước đi đầu trên thế giới về bảo vệ động vật hoang dã. Mới đây, nước này đã gửi hai chú chó nghiệp vụ được huấn luyện bài bản tới Thái Lan để giúp trấn áp nạn buôn lậu tê tê đang có xu hướng gia tăng. 

 

Vương quốc Anh là nước đi đầu trên thế giới về bảo vệ động vật hoang dã.

 

Ông Grant Miller – Cố vấn phòng chống buôn lậu động vật, Sở thú London, Anh, cho biết: “Hai chú chó Bess và Buster đã trải qua chương trình huấn luyện kéo dài 8 tuần tại Anh và hiện đến Thái Lan để hỗ trợ phát hiện các vụ buôn lậu tê tê qua đường biển và hàng không.”

 Năm 2021, Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật phúc lợi động vật, quy định việc gây ra đau khổ không cần thiết cho bất kỳ động vật nào là bất hợp pháp. Chính phủ Anh cũng đã công nhận động vật là chúng sinh. Các biện pháp phúc lợi được áp dụng để ngăn chặn hầu hết xuất khẩu động vật sống và cấm nhập khẩu các chiến lợi phẩm săn bắn.

 Còn tại châu Phi, nơi buôn bán tría phép động vật hoang dã trở thành vấn nạn, những nơi như Khu bảo tồn xuyên biên giới Kavango–Zambezi ở Zimbabwe này đã tiếp nhận nhiều loài động vật hoang dã được giải cứu. Chúng đã có thể sống hòa hợp với môi trường ở đây.

Cô Chipo Munsaka - Đội tuần tra động vật hoang dã, Zimbabwe, nói: “Ở đây không có săn trộm, không hoạt động bất hợp pháp. Chúng ta hãy đồng hành để không ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã vì lợi ích của chúng ta.”

 Thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên. Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Vì thế, bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài và cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái của con người.
 

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng