Tin tức

Giảm nghèo ở miền núi Quảng Ngãi

Thứ sáu, 30/12/2022 - 22:40

Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Liên tiếp nhiều nhiệm kì, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết, kết luận để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều địa phương đã sáng tạo trong vận dụng chính sách để hỗ trợ người dân thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn ở các huyện miền núi ngày càng khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2022 tiếp tục là năm mà Quảng Ngãi gặt hái nhiều thành công trong công tác giảm nghèo.

 

 
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện Ba Tơ trong nhiệm kì 2020 - 2025. Huyện ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất. Tăng cường hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất và giá trị vật nuôi, cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2022, Ba Tơ đã giảm thêm 921 hộ nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn hơn 29%.
 

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ
 
Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Huyện đã lấy phát triển kinh tế nông lâm làm chủ đạo, tăng cường giữ vững và bảo vệ rừng, tăng cường trồng rừng tự nhiên để tạo sinh kế và tạo thu nhập cho Nhân dân.

 
 
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực được đầu tư, nhiều địa phương cũng phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi giảm xuống còn 30,27%.

 

Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng
 
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Tăng cường vai trò của Đảng về công tác giảm nghèo giúp cán bộ bám sát, nắm sát cơ sở để triển khai công tác giảm nghèo ở địa phương. Thứ hai nữa là đánh giá về thực trạng, nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo để từ đó xác định người nghèo cần gì, muốn gì để tập trung triển khai cho có trọng tâm, trọng điểm để triển khai các chính sách giảm nghèo tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện phát triển tốt hơn.

 
 
Nhiều địa phương như huyện Sơn Hà đã thành lập được nhiều tổ, nhóm hộ chăn nuôi, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trong đó, có 17 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ phát triển theo chuỗi liên kết, giúp cho nhiều hộ nông dân chủ động hơn trong khâu sản xuất. Nhiều loại nông sản có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cao. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh. Bình quân mỗi năm giảm khoảng 4,54% hộ nghèo, cận nghèo.

 

Anh Dương Bảo Thoại, Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà
 
Anh Dương Bảo Thoại, Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà nói: Được sự hỗ trợ của chính quyền và hợp tác xã về con giống cũng như kĩ thuật chăn nuôi, khi con giống lên thành phẩm rồi thì được hợp tác xã hỗ trợ bao tiêu đầu ra, giá cả ổn định.

 
 
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi. Tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên và tập trung xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Tạo đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

 

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi
 
Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong cơ chế phát triển miền núi, nếu người nghèo mà tham gia vào chuỗi này thì Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều thứ, ví dụ như hỗ trợ về vốn, về phân, hỗ trợ về quản trị hợp tác xã, thì xung quanh hợp tác xã thì có thể kết hợp với các tổ hợp tác, với người dân khác nhau theo cơ chế của hợp tác xã làm cho chúng ta có thể tổ chức thành một vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu chế biến của nhà máy, của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của chuỗi bền vững.
 
Tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người nghèo tự lực thoát nghèo. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025, có thêm 01 huyện miền núi thoát nghèo. Giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn./.
 
Thời sự PTQ tối ngày 30/12/2022/Phi Khanh, Thanh Trung, Trường Thịnh
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng