Tin tức

Đánh giá 05 năm thực hiện chiến lược phát triển các Ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Thứ ba, 20/12/2022 - 10:08

Sáng nay 20/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
 
Theo Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, 12 ngành công nghiệp văn hóa gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Sau 5 năm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao đã đạt được một số thành tựu nhất định, đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,6% tổng sản phẩm quốc nội. Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
 
05 năm qua, việc chỉ đạo, phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Một số doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nắm bắt được cơ hội, bước đầu đầu tư vào các ngành nghề có lợi thế phát triển trong công nghiệp văn hóa như: Điện ảnh, quảng cáo, thiết kế, phần mềm và trò chơi giải trí, thời trang, du lịch văn hóa. Nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã được nâng cao. Nhiều di sản văn hóa, công trình di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị gắn kết với phát triển du lịch. Các tỉnh, thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế của ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; gắn liền quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế. Nhiều dịch vụ, sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa được hình thành, phát triển và trở thành các sản phẩm đặc sắc riêng của địa phương, góp phần tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa.
 
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đóng góp khoảng 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Các ngành công nghiệp văn hóa phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu./.
 
Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng