Tin tức

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thứ bảy, 17/12/2022 - 16:32

Chú trọng đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Ở Quảng Ngãi, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được đầu tư phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng nguồn lao động chất lượng cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Tỉ lệ học sinh, sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ngày càng cao.

 

 
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Trường ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển quy mô và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu cần tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đặc biệt là chú trọng đào tạo các ngành nghề mũi nhọn để cung ứng nguồn nhân lực tay nghề kĩ thuật cao cho các khu công nghiệp của tỉnh và đưa lao động sang làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Hình thức đào tạo gắn liền với doanh nghiệp chính là định hướng phát triển lâu dài của nhà trường.
 

Anh Nguyễn Chí Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tuyển sinh - Việc làm và Dịch vụ
 
Anh Nguyễn Chí Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tuyển sinh - Việc làm và Dịch vụ cho biết: Nhà trường đang có 2 phương thức làm việc với doanh nghiệp, thứ nhất là các em được gửi đi thực tập tại các doanh nghiệp, sau đó các em ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, thứ hai là doanh nghiệp tự tuyển lao động sau đó mời nhà trường đào tạo ngay tại doanh nghiệp, ví dụ hiện tại trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi có dạy các lớp sơ cấp cho các đơn vị như Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, công ty GE, mình đang tổ chức các lớp sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

 

Mỗi năm, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi tuyển sinh khoảng 2.500 học sinh, sinh viên. Trong đó, học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn chiếm tỉ lệ khoảng 15%. Trường luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt là miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ Trung cấp. Thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ, chính sách nội trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định 53/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
 

Sinh viên Phạm Văn Nâng, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi
 
Sinh viên Phạm Văn Nâng, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi nói: Em quê ở Ba Tơ, em học dưới đây cũng 2 năm rồi, em học ở đây thì đóng phí trường lo hết, còn chỗ ở chỉ đóng tiền nước.

 

Ông Đoàn Khắc Chỉnh, Trưởng phòng Khảo thí và Công tác học sinh - sinh viên, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi
 
Ông Đoàn Khắc Chỉnh, Trưởng phòng Khảo thí và Công tác học sinh - sinh viên, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi cho biết: Một năm chi trả cho các em, ngoài mức lương cơ sở hàng tháng, nhà trường còn hỗ trợ tiền đi lại cho các em một năm tối thiểu 2 lần, và tiền tư trang cá nhân, mùng, mền, gối…và các khoản hỗ trợ khác nếu các em ở lại ăn Tết, trung bình như vậy một em ít nhất cũng từ 15 - 20 triệu đồng/năm.

 
 
Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người có nhu cầu học nghề. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được tăng cường. Theo thống kê, có 61% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Số lượng cán bộ quản lí, giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn gần 600 người. Có trên 75% nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động. Tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%.

 

Ông Nguyễn Tấn Đối, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Ông Nguyễn Tấn Đối, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay là đào tạo theo Modem, thứ hai nữa là ngành nghề phải phát triển chứ không phải đào tạo ngành nghề hiện nay trường đang có, đòi hỏi các trường phải cải tiến, phải đầu tư, bản thân giáo viên phải nâng kiến thức, bởi vì đào tạo hiện nay phải gắn với công nghiệp 4.0 và gắn với những ngành nghề mới để khi học sinh được vào trường học được học những ngành nghề mới mà những ngành nghề đó nó đáp ứng với nhu cầu của xã hội và những ngành nghề đó khi học sinh ra trường là có việc làm ngay.
 
Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững. Quảng Ngãi sẽ ưu tiên phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%./.
 
Phi Khanh, Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng