Tin tức

Nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý phát triển văn hoá, du lịch

Thứ tư, 07/12/2022 - 20:06

Chiều nay 07/12, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh quan tâm. Có 4 vấn đề được đưa ra chất vấn liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế và đảm bảo an ninh trật tự. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng mở đầu phiên chất vấn, trả lời về những bất cập và giải pháp để quản lý, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Việc phát huy giá trị các di tích để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 

 
Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, việc quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Nhiều di tích chưa được trùng tu, tôn tạo, bị lấn chiếm, xâm hại. Đại biểu đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc kiểm kê, lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích nói chung và những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nguyên nhân chậm thực hiện và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi hiện có 254 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Theo Nghị định số 98 của Chính phủ quy định, việc kiểm kê di tích 5 năm 1 lần, tuy nhiên những năm qua Sở mới chỉ tập trung công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích các cấp mà chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm kê di tích. Đây là việc làm cần có nguồn lực về kinh phí và con người, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác di tích, di sản của Sở và ở các địa phương thì quá ít. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa ra 5 giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, trong đó có đề xuất phân cấp việc quản lý di tích cho các địa phương.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi trả lời phiên chất vấn tại kỳ họp
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho rằng Phòng quản lý văn hóa chỉ có 2 người quản lý lĩnh vực này thì sẽ không đáp ứng được công tác quản lý chung mà phải phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố quản lý, Sở quản lý về mặc chuyên môn chung, ví dụ vừa rồi Sở tham mưu cho tỉnh bước đầu làm thí điểm phân cấp cho huyện Mộ Đức quản lý di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng thì huyện Mộ Đức quản lý rất tốt và phát huy được khai thác du lịch.
 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết nguyên nhân và giải pháp tổ chức cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích tại các địa phương. Hiện nay, Quảng Ngãi mới chỉ có 98/254 di tích được cắm mốc giới, 41/254 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận trách nhiệm, những bất cập, thiếu sót của ngành và các địa phương trong công tác quản lý, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn. Quảng Ngãi tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các di tích, di sản của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch theo từng loại hình, tạo được đặc trưng riêng của Quảng Ngãi, với các dòng sản phẩm chủ đạo như: Du lịch biển, đảo; Du lịch văn hoá; Du lịch sinh thái.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho rằng Hạ tầng du lịch của chúng ta chưa được tốt thì rất khó để thu hút khách du lịch, ngay như cơ sở lưu trú của tỉnh Quảng Ngãi chúng ta để khách về so với các tỉnh khác thì chúng ta ít, trong báo cáo của UBND tỉnh có nêu du lịch Quảng Ngãi chưa đủ sức cạnh tranh với các tỉnh trên bản đồ du lịch quốc gia, cơ sở chúng ta so với Đà Nẵng chúng ta chỉ bằng 1/10, với Bình Định bằng 1/5 cơ sở lưu trú, khách sạn của chúng ta rất nhỏ, sao thì rất thấp, cái này cần phải xã hội hóa, khách đến thì phải lưu trú được nhiều ngày, mình đến một điểm không có khu vui chơi giải trí, nếu nhiều nhất ở Lý Sơn được 2 ngày, còn lại ở tại tỉnh thì đi trong ngày thì chúng ta không thu hút được khách thì khó có thể tăng doanh thu cho du lịch, một trong nhưng giải pháp là cần tập trung cho hạ tầng du lịch, trong đó nguồn vốn của nhà nước là một phần nhưng cái quan trọng là phải thu hút được nhà đầu tư lớn và để đầu tư hạ tầng du lịch.
 
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Mỹ Ái đã trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh về tình hình đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Quảng Ngãi hiện có 27 dự án đầu tư vào du lịch còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó 16 dự án chưa triển khai xây dựng và đang trong quá trình triển khai các thủ tục sau chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc thu hút đầu tư các dự án du lịch chưa nhiều, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sức cạnh tranh về dịch vụ du lịch của tỉnh nhìn chung chưa cao, hạ tầng phục vụ để phát triển du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ. Phần lớn các dự án khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai vì liên quan đến đất công, tài sản công. Các quy định có liên quan giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu còn có sự bất cập, nên các dự án chưa thể thuê đất và triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt.

 

Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi trả lời chất vấn tại kỳ họp
 
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án này thì UBND tỉnh cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và cũng rất cụ thể trong từng dự án và kế hoạch triển khai cho từng dự án, trong thời gian đến Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương và các Sở, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nhà đầu tư giải quyết các thủ tục vướng mắc và triển khai lại thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đối với các dự án đầu tư không có vước mắc gì nhưng nhà đầu tư không triển khai thực hiện hoặc do năng lực nhà đầu tư hạn chế thì sẽ kiên quyết đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư bao gồm các dự án trên địa bàn KKT Dung Quất, trong thời gian vừa qua thì chúng ta cũng đã dừng một số dự án.
 
Trao đổi, giải trình thêm về những tồn tại trong việc chậm kiểm kê, quản lý, trùng tu các di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính quyền các địa phương và Ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đối với việc xâm phạm các di tích chậm được xử lý cũng thuộc trách nhiệm của các địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về những giải pháp mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đưa ra, UBND tỉnh sẽ kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện. Đối với việc thu hút các dự án du lịch kém là do việc quy hoạch của tỉnh chưa tốt. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc làm chưa tốt thì phải sửa chữa.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, chúng ta làm quy hoạch tỉnh, làm quy hoạch đồ án điều chỉnh KKT Dung Quất định hướng rất rõ ràng, bố trí không gian như thế nào, các vùng động lực như thế nào, du lịch ra sao thì sau khi quy hoạch điều chỉnh đồ án KKT Dung Quất, quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt thì nó có đường hướng rõ ràng và từ đó chúng ta thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực về tài chính và có kinh nghiệm trong phát triển du lịch.
 
Để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung giải quyết các nội dung mà đại biểu nêu và cử tri quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng trao đổi thêm về việc xử lý những tồn tại của dự án Khu du lịch Thiên Đàng. Những vướng mắc đã tồn tại quá lâu, giải quyết theo phương án nào cũng phải xử lý dứt điểm, không để kéo dài thêm nữa. Đối với các dự án du lịch ở biển Mỹ Khê, tỉnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch kiểm kê, quản lý di tích, phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa ngành với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nếu nói chung chung thì những tồn tại này tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân
 
Chốt lại phần chất vấn các vấn đề về văn hóa, du lịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân thống nhất với 5 giải pháp mà Sở đưa ra để bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị di tích di tích văn hóa. Sở có vai trò tham mưu nhưng cần có sự phối hợp của các ngành, UBND các cấp, và phát huy vai trò cộng đồng người dân. Ngành cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thực hiện định vị du lịch, tìm hướng đi mới để có một hình ảnh rất khác của du lịch Quảng Ngãi trong giai đoạn đến. Ngành cũng cần nhận diện những tồn tại, khó khăn, triển khai tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian đến./.
 
 Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng