Tin tức

Bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6

Thứ ba, 06/12/2022 - 20:14

Chiều nay 06/12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 11.632 điểm cầu trong cả nước, với gần 1,2 triệu đảng viên tham dự đã hoàn thành chương trình đề ra. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” 
 
Buổi sáng, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh: đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng để định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, bứt phá về năng suất, chất lượng. Nghị quyết xác định quan điểm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và toàn hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, từng vùng, từng địa phương. Thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa cần lộ trình bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình đó phải luôn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề: “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
 
Trong chiều nay, các đại biểu đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày chuyên đề: “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc, quan điểm quan trọng trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, thống nhất trên cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội và khai thác lợi thế của từng địa phương trong vùng và toàn vùng. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm vào địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và các lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị
 
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, nhấn mạnh: việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt. Chú trọng biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện. Kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân chưa tốt. Chú trọng công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái. Đặc biệt, phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 6, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành Chương trình, Kế hoạch cụ thể. Có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm: “Chủ trương một, biện pháp mười, hành động hai mươi”. Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu cần phải sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo ra của cải vật chất làm cho đời sống của người dân ngày càng hạnh phúc./.
 
Tấn An, Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng