Tin tức

Góp ý tại hội trường về dự thảo luật giá (sửa đổi)

Thứ sáu, 11/11/2022 - 22:13

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15, chiều nay 11/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi).

 

 
Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, đoàn Quảng Ngãi đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ghi nhận các cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hồ sơ, tài liêu, kịp thời có Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật. Góp ý về Quỹ Bình ổn giá, đại biểu đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá.
 

Bà Đinh Thị Phương Lan, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Bà Đinh Thị Phương Lan, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị về Quỹ bình ổn giá được quy định tại Điều 22, đề nghị cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp của quỹ nhằm tránh hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá, quy định cụ thể việc được sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không thể thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng theo danh mục đã được ban hành. Đối với các hàng hóa, dịch vụ là nguyên, nhiên, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cần được tiếp tục rà soát, thu hẹp phạm vi áp dụng, chỉ nên được bình ổn giá trong tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai, có tác động ảnh hưởng toàn diện quá lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời hạn nhất định nhằm tránh can thiệp sâu, làm sai lệch thông tin thị trường, có thể gây lãng phí nguồn lực. Về căn cứ và phương pháp định giá tại Điều 24 được xác định trên cơ sở (1) Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá; (2) Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; (3) Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm quyết định giá. Các căn cứ trong dự thảo chỉ mang tính nguyên tắc, việc quy định quá chung sẽ khó thực hiện, dẫn đến sai lệch về giá, thậm chí là nguy cơ sai phạm trong định giá, thẩm định giá. Phương pháp định giá quy định tại khoản 2 điều này mới chỉ chủ yếu giải thích từ ngữ, chưa quy định cụ thể các phương pháp định giá, đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu tính phù hợp, quy định cụ thể các phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường; chi phí; thu nhập.
 
Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đồng tình với nguyên tắc bình ổn giá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường. Về căn cứ và phương pháp định giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị dự thảo cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng nghiên cứu tính phù hợp, bổ sung quy định cụ thể các phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường./.
 
Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng