Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý tại hội trường về dự thảo luật phòng thủ dân sự

Thứ tư, 09/11/2022 - 19:47

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều nay 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia thảo luận góp ý tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

 

 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phòng thủ dân sự cũng như phạm vi điều chỉnh và bố cục của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 4 được hiểu là trang bị phòng thủ dân sự đã bao gồm phương tiện nói chung, trong đó có phương tiện lưỡng dụng. Đại biểu đề nghị điều chỉnh khoản 4 Điều 4 thành “tăng cường trang bị, đặc biệt là phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang”. Và khoản 2, Điều 19 “Kiểm tra trang bị, phương tiện, vật tư hiện có, bổ sung trang bị, phương tiện, vật tư cho các khu vực trọng yếu” thành “Kiểm tra trang bị phòng thủ dân sự hiện có, bổ sung trang bị phòng thủ dân sự cho các khu vực trọng yếu”. Tại điểm b khoản 2 Điều 8 “Tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ thảm họa” là chưa đầy đủ và rõ ràng, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “khắc phục hậu quả” sau từ “hỗ trợ” thành “Tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa”.
 

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, Khoản 2, Điều 3 dự thảo quy định: “Hoạt động phòng thủ dân sự phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân”, đề nghị sửa lại là “Hoạt động phòng thủ dân sự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân” để tăng cường nhận thức và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân trong thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự. Vì phòng thủ dân sự có phạm vi rộng lớn, tác động đến toàn xã hội, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh, thảm họa, sự cố xảy ra; các hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh con người. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng thường xuyên và khó dự báo, do vậy, phòng thủ dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân cần được thể hóa rõ ràng và cụ thể để mọi người trên mọi mặt trận có trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước, chế độ.
 
Về chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự (tại Điều 4) Đề nghị bổ sung quy định “Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án lưỡng dụng nhằm tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng để vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn. Kinh tế - xã hội phát triển, thu hút bạn bè, du khách quốc tế tham quan, du lịch cũng sẽ góp phần tuyên truyền về chủ quyền đất nước.
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đề nghị bỏ Điều 47 về “Bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố” vì theo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có bảo hiểm phi nhân thọ, gồm các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại. Ban biên soạn rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản cho rõ ràng, thống nhất các từ ngữ văn phong pháp lý.
 
Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành để chỉnh lý theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến các nội dung của dự thảo Luật, tránh dàn trải. Ban soạn thảo tiếp tục rà soát văn phong, kỹ thuật lập pháp để đảm bảo dự thảo luật hoàn thiện, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, thống nhất, khả thi sau khi ban hành./.
 
Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng