Tin tức

Tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi năm 2022 đứng thứ 6/14 tỉnh, thành miền Trung

Thứ tư, 02/11/2022 - 11:29

Sáng nay 02/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Võ Phiên chủ trì phiên họp tháng 10 đánh giá kết quả phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Một kết quả đáng mừng là năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 8,29%, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành khu vực miền Trung.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Võ Phiên chủ trì phiên họp tháng 10 đánh giá kết quả phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp năm 2023
 
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, năm 2022, Quảng Ngãi đề ra 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu và đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đáng mừng là cả 7 chỉ tiêu về kinh tế đều vượt kế hoạch. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,29%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.836 USD, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP ước đạt 67,4%, năng suất lao động xã hội tăng 8,0%, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 33.215 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt ước đạt 29,2% và phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao 75%. Có 6 chỉ tiêu văn hóa, xã hội vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 33,64%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,35%, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đều vượt từng bậc học, số bác sĩ/1 vạn dân ước đạt 7,75 người, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 95,12%, tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế ước đạt 21,32%. Có 1 chỉ tiêu về tài nguyên môi trường đạt vượt là tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 51,75%. Với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,29%, Quảng Ngãi đứng thứ 6 so với 14 tỉnh khu vực miền Trung và thứ 3 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Về quy mô GRDP theo giá hiện hành, tỉnh Quảng Ngãi đạt 114.675 tỷ đồng, đứng thứ 5 so với 14 tỉnh miền Trung và thứ 3 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Theo đánh giá, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu hoạt động vận tải đều tăng mạnh. Nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục và ổn định, các doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục khó khăn và đang nỗ lực mở rộng sản xuất. Thu ngân sách trên địa bàn đạt cao, giải ngân vốn đầu tư công đạt khá. Chế độ, chính sách về an sinh xã hội luôn được chú trọng thực hiện, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: giá trị sản xuất ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào sản phẩm lọc hóa dầu, giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt mưa, bão lớn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nuôi trồng thuỷ sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tài nguyên thuỷ sản ngày càng suy giảm. Thu hút đầu tư vẫn chậm, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể còn nhiều, các hoạt động xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương tại các thị trường trong nước còn chậm.
 
Trên cơ sở số liệu nền của năm 2022 đã tăng rất cao so với năm 2021 tỉnh xây dựng 03 phương án tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023. Phương án 1 tăng trưởng âm 1,5 đến 1%. Phương án 2 tăng trưởng âm 0,5 đến 0%. Phương án 3 tăng trưởng từ 1 đến 1,5%. Quảng Ngãi đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn thực hiện trong năm 2023. Trong đó đáng chú ý như triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực xã hội, bố trí vốn đầu tư công hợp lý, đẩy mạnh thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các cụm ngành công nghiệp có lợi thế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch ven biển, chú trọng phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng tự nhiên, năng lực cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư./.
 
Tăng Thư, Mỹ An/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng