Tin tức

Phát huy bản sắc văn hóa nâng cao đời sống đồng bào Chăm

Thứ bảy, 29/10/2022 - 14:30

Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất cả nước. Người Chăm có nền văn hóa đặc sắc, tồn tại có hệ thống và khá toàn vẹn, tạo nên nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay, biến cố, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận vẫn gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, trở thành các sản phẩm du lịch đặc thù đem lại thu nhập khá góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào.


Phát huy bản sắc văn hóa nâng cao đời sống đồng bào Chăm 
 
Làng gốm Bàu Trúc, ngôi làng có lịch sử hình thành và phát triển đã hơn 7 thế kỷ qua ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là ngôi làng cổ có đến trên 90% dân số là đồng bào Chăm. Nghề gốm ở Bàu Trúc chủ yếu được truyền lại cho phụ nữ. Tất cả công đoạn làm nên Gốm hoàn toàn bằng thủ công, do đó mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn riêng, chứa đựng sự sáng tạo, niềm đam mê.
 
Bà Đặng Thị Trình - Làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ:Truyền thống từ hồi xưa tới bây giờ chúng tôi không bỏ. Mai mốt này tôi già đi thì con chúng tôi sẽ nối nghiệp để làm, nghề này không bỏ được. Nghề ông bà để lại con cháu chúng tôi. Những hoa văn này là do chúng tôi tự nghĩ ra. Minh thích hoa văn nào thì chạm hoa văn đó.
 
Cùng với 
làng gốm Bàu Trúc, thì làng dệt Mỹ Nghiệp cũng là làng nghề Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận. Nơi đây vẫn lưu giữ phong cách dệt vải của người Chăm cổ xưa mà không cần sử dụng đến máy móc và các thiết bị hiện đại. Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, nghề dệt thủ công vẫn được duy trì phát triển trong cộng đồng dân cư. Từ cây bông vải thuần túy được trồng ngay trong vườn nhà, dưới bàn tay sáng tạo, cần cù của những phụ nữ Chăm, nhiều tác phẩm nghệ thuật, đậm chất văn hóa dân tộc đã ra đời. 

 

Nghề gốm được truyền lại cho con cháu đời sau gìn giữ và phát triển.

Bà Lâm Lữ Minh - Phó Giám đốc HTX Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Ninh Phước, Ninh Thuận, cho biết: Cái độc đáo của dệt Chăm là người Chăm cần có 2 khung. Một khung dài để dệt các họa tiết hoa văn phục vụ cho các loại dây viền. Còn 1 khung kia thì dệt ra tấm vài dùng để may áo may váy, khăn choàng đầu. Trang phục của người Chăm phải được dệt trong lúc vừa khung dài vừa khung ngắn nó mới hội đủ trang phục hoàn chỉnh.

Là tỉnh có đông người Chăm sinh sống, Ninh Thuận mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Từ chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đến nghề gốm, dệt thổ cẩm đều hết sức đặc trưng và độc đáo. Đặc biệt, nghệ thuật dân ca và múa Chăm đã trở thành di sản quý giá của nền văn hóa Việt Nam.
 
Tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa, du lịch Ninh Thuận đã và đang bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm đưa nơi đây phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân./.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng