Tin tức

Chiến thắng Ba Tơ làm thay đổi cục diện quân sự Khu 5

Thứ tư, 26/10/2022 - 18:00

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5 diễn ra vào tháng 8/1973 đánh giá: Chiến thắng Ba Tơ là hoa chiến công. Chiến thắng Ba Tơ ngày 30/10/1972 đã góp phần làm thay đổi cục diện quân sự toàn Khu 5, tạo điều kiện cho quân ta mở hành lang chiến lược đưa những binh đoàn từ đường Trường Sơn Đông về đồng bằng giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

 

 
Ba Tơ rộn ràng bước vào kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Những người lính từng một thời cầm súng giải phóng quê hương nay là các cựu chiến binh. Ký ức không có tuổi, nhất là khi mình vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cầm súng vượt qua mưa bom, bão đạn làm nên chiến thắng.
 

Cựu chiến binh Trần Thanh Cầm, Xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
 
Cựu chiến binh Trần Thanh Cầm, Xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi nói: Hồi đó, nghe giải phóng huyện Ba Tơ là phấn khởi lắm vì giải phóng quê hương mình.
 
Ba Tơ nằm trên trục quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên. Trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn chiến lược này, địch tập trung quân, xây dựng nhiều đồn bốt và tiến hành đánh phá ác liệt. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng, năm 1959, tỉnh quyết định thành lập huyện Sông Hrê trên cơ sở tách một số xã phía Tây của huyện Ba Tơ và sáp nhập một số xã của huyện Sơn Hà.
 
Từ thực tiễn cách mạng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 4 đã chủ trương: Kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định của địch, làm chủ từng vùng rộng lớn. Theo đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sông H’rê và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ba Tơ vào tháng 11/1971 đã quyết tâm trong nhiệm kỳ, giải phóng quê hương.

 
Trước khi mở chiến dịch giải phóng huyện Ba Tơ, Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho một số đơn vị vũ trang đánh thăm dò một số điểm ở huyện Ba Tơ và huyện Sông Hrê. Trước chiến thắng giòn giã, Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định phát huy khí thế tiến công, chỉ đạo Trung đoàn 52, Quân khu 5, Bộ đội đặc công Quân khu 5, Bộ đội chủ lực của tỉnh cùng với quân và dân mở chiến dịch, đồng loạt tiến công vào các mục tiêu trọng yếu của địch để giải phóng Ba Tơ.
 

Ông Vũ Tùng Vi, Nguyên tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên ủy viên Ban thường vụ huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ.
 
Ông Vũ Tùng Vi, Nguyên Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên ủy viên Ban thường vụ huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ kể lại: Trước khi mở chiến dịch, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiến hành đánh khu vực huyện lỵ. Rút kinh nghiệm từ trận đánh Khu ủy Khu 5 quyết định mở chiến dịch giải phóng Ba Tơ. Tôi lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách phía trước. Trong ngày xuất quân, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao lá cờ cho Trung đoàn 52 mang dòng chữ  lời tuyên thệ của Du kích Ba Tơ “hy sinh vì tổ quốc”. Trận chiến diễn ra ác liệt trong mùa mưa. Trung đoàn 52, Đặc công Quân khu 5 và các đơn vị vũ trang tỉnh đã chiến đấu oai hùng.
 
Chiến dịch giải phóng huyện Ba Tơ bắt đầu từ ngày 15/9/1972. Chỉ sau 03 ngày tiến công, quân ta đã chiếm được quận Ba Tơ nhưng Khu biệt kích của địch ở Đá Bàn vẫn còn, ta tiếp tục bao vây và tấn công. Địch đưa Liên đoàn biệt động số 11, Trung đoàn 4, Trung đoàn 5 từ dưới đồng bằng lên chi viện, rồi đưa máy bay lên ào ạt ném bom. Những ngày cuối tháng 10 mưa tầm tã gây lũ lớn, chiến sự diễn ra ngày càng gay go ác liệt.
 

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê, Thị trấn Ba Tơ, Quảng Ngãi
 
Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê, Thị trấn Ba Tơ, Quảng Ngãi kể lại: Hồi đó, tôi mới 22 tuổi, là Trung đội phó của huyện đội Sông H rê được tăng cường xuống tham gia chiến dịch với hai trung đội. Chúng tôi đã tham gia đánh trận địa pháo của địch ở núi Cao Muôn rồi tham gia đánh địch ở phía Nam căn cứ Đá Bàn.

 
Đến ngày 29/10 các trận địa pháo của ta dồn dập nã xuống đèo Ông Huyện, khống chế địch ở đây, và tập trung toàn lực lượng và hỏa lực tiêu diệt Khu biệt kích Đá Bàn. Đúng 23 giờ 45 phút, ngày 29/10, ta mở đợt tấn công và đã làm chủ hoàn toàn trận địa Khu biệt kích Đá Bàn, và đến ngày 30/10 lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn. Kết thúc 45 ngày đêm chiến đấu anh dũng. Chiến dịch giải phóng huyện Ba Tơ đã toàn thắng.
 
Chiến thắng Ba Tơ, góp phần đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chiến thắng Ba Tơ, làm nức lòng quân và dân Quảng Ngãi và cả khu 5, mở ra vùng giải phóng rộng lớn và tạo ra hành lang chiến lược. Đó là tuyến đường Trường Sơn Đông xuôi về đồng bằng, tạo điều kiện cho những năm tiếp theo, các đơn vị vũ trang của tỉnh và Khu 5 anh hùng tiến về giải phóng huyện Minh Long và giải phóng các tỉnh đồng bằng Trung bộ và Nam Trung Bộ, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước./.
 
Quý Cầu, Thanh Trung, Lương Triều/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng