Tin tức

Bí thư Tỉnh ủy giải đáp nhiều ý kiến của Bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín

Thứ tư, 19/10/2022 - 21:58

Sáng nay 19/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đã có buổi đối thoại với hơn 100 Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số. Dự buổi đối thoại có Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Võ Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, lãnh đạo các sở, ngành. Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và những trao đổi thẳng thắn tại buổi đối thoại.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đối thoại với hơn 100 Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số
 
Tại buổi đối thoại, đại diện Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng, theo chuẩn nghèo mới đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn rất cao. Tỉnh cần điều chỉnh phương thức đầu tư cây, con giống hỗ trợ cho bà con phù hợp với thực tế hiện nay. Cần có giải pháp hiệu quả trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao thu nhập cho bà con.
 

Ông Phạm Viết Nho, Người uy tín ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi
 
Ông Phạm Viết Nho, Người uy tín ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi cho biết trong thời gian vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56 ngày 9/12/2017 quy định hỗ trợ đầu tư trồng cây nguyên liệu gỗ lớn, trồng cây gỗ quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và Tỉnh ủy có Nghị Quyết số 02 ngày 17/8/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTXH và giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi nhưng đến nay hiệu quả thấp, không cao đề nghị cho biết nguyên nhân tại sao, giải pháp thực hiện trong thời gian đến.

 
 Ông Đinh Như Tro, Người uy tín ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
 
Ông Đinh Như Tro, Người uy tín ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi kiến nghị tỉnh nghiên cứu phát triển sản xuất theo mô hình HTX sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi điều chỉnh phương thức đầu tư cây, con giống theo hướng cấp tiền cho hộ dân được hưởng lợi mua tại địa phương có chính quyền, đoàn thể giám sát đảm bảo đúng mùa vụ hoặc thay thế việc hỗ trợ cây, con giống trực tiếp bằng việc vay vốn tín dụng hỗ trợ lãi suất để sản xuất, chăn nuôi theo nhu cầu, trong đó cần tăng nguồn vốn sản xuất kinh doanh tại ngân hàng chính sách xã hội.
 
Một số ý kiến đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình giao thông, xây dựng các cầu qua các sông, suối tại một số địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tỉnh. Tăng cường nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những xã đặc biệt khó khăn. Cần có giải pháp mang tính đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan của hệ thống chính trị ở cấp huyện và tỉnh.

 

Bà Đinh Thị Biểu, Người uy tín ở huyện Minh Long, Quảng Ngãi
 
Bà Đinh Thị Biểu, Người uy tín ở huyện Minh Long, Quảng Ngãi kiến nghị lâu nay chúng ta chú ý nhiều việc luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện từ huyện về xã nhưng việc luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện và từ huyện lên tỉnh còn rất ít nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy chúng ta làm sao để có cơ hội để cho con em người dân tộc thiểu số được tham gia cống hiến trong các cơ quan hệ thống chính trị.
 
Hiện nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất xảy ra ở nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vào mùa khô. Người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất. Nhiều ý kiến về vấn đề này cũng được gửi đến Bí thư Tỉnh ủy.

 

Ông Phạm Bông, Bí thư Chi bộ, người có uy tín thôn Trũng Kè 1, Hành Tín Tây, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
 
Ông Phạm Bông, Bí thư Chi bộ, người có uy tín thôn Trũng Kè 1, Hành Tín Tây, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát nâng cấp sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới các công trình nước sinh hoạt, sản xuất để phục vụ đời sống của người dân.
 
Một số ý kiến kiến nghị, các xã khu vực I, II, III sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới thì người dân không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế của Nhà nước. Mặc dù xã đạt chuẩn Nông thôn mới nhưng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở các xã khu vực I, II, III đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi 
 
Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ban Dân tộc đã trình lên ủy ban dân tộc của Trung ương và trình lên tỉnh để tỉnh kiến nghị lên Trung ương, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách mới về vấn đề này, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục kiến nghị lên Trung ương, nếu như Trung ương có cơ chế riêng để giao lại cho tỉnh thì kiến nghị tỉnh cũng có cơ chế riêng để cho phù hợp với đời sống còn khó khăn của bà con miền núi.
 
Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nhiều vấn đề nêu ra tại buổi đối thoại đã được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành trực tiếp trao đổi, trả lời, làm rõ. Một số vấn đề tiếp tục được nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn tới.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân
 
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, những ý kiến đưa ra xác đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong cuộc sống tại các huyện vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 17 ý kiến tại buổi đối thoại, nội dung trả lời, giải thích của các sở, ngành và UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục tổng hợp, rà soát để giải quyết, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền vào cuộc, phát huy trách nhiệm, quyết tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở miền núi. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện và đổi mới công tác dân tộc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới. Ban Thường vụ các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương, vùng miền. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh phải có sự đổi mới mang tính đột phá, quyết liệt, hiệu quả.
 
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cấp huyện, xã, bảo đảm chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngay từ cơ sở. Có cơ chế đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số còn khó khăn. Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Phối hợp cùng các địa phương tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Phối hợp giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

 
 
Nhân dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 03 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cứu trợ để xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng tại thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây 22 nhà cho hộ nghèo, mỗi nhà 50 triệu đồng tại 05 huyện miền núi và 02 huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng.
 
Đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ cũng đã trao hỗ trợ giống tre, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo. Tặng quà cho 100 đại biểu tham gia buổi đối thoại là bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín. Tổng trị giá trao tặng tại buổi đối thoại là trên 5,2 tỷ đồng./.
 
Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng