Tin tức

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23/NQ-TW

Thứ sáu, 14/10/2022 - 14:11

Ngày 14/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và địa phương; lãnh đạo chủ chốt 5 tỉnh trong Vùng.


Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23/NQ-TW
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dân cũng như trong vùng để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng đất Tây Nguyên, ngày 18/01/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khoá IX và khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng. Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phát biểu tham luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh, xếp thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Phía bắc và phía đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước; với khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước. Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 53/53 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 52 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, Mnông, Giarai, Bana.... Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hoá dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hoá vật thể và phi vật thể vô giá như cồng chiêng, rượu cần, đàn Tơrưng... thì không thể không nhắc đến giá trị của sử thi, đặc biệt là sử thi Đăm Săn. Đây là một địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương". /.
 
 Hồng Điệp – Đăng Quang

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng