Tin tức

Phát huy “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thứ hai, 29/08/2022 - 18:44

Lấy công tác phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho từng cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy tỉnh chỉ đạo sáng nay tại hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

 

Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ về cứu nạn, cứu hộ
 
5 năm qua, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng khẩn trương, quyết liệt, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở và người dân. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 385 sự cố tai nạn, trong đó có 289 vụ cháy, nổ; 78 vụ tai nạn đuối nước…Lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Quảng Ngãi đã huy động hơn 860 lượt phương tiện cùng 6.795 lượt cán bộ, chiến sĩ để tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời đối với các sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh. Đã cứu được 12 người bị thương, tìm được nhiều thi thể nạn nhân đuối nước bàn giao cho gia đình nạn nhân. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được triển khai tích cực. Phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi hơn 4,4 triệu tin nhắn khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến các số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh; mở chuyên mực “A lô 114 Quảng Ngãi” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi; chuyên trang An toàn PCCC trên Báo Quảng Ngãi. Hướng dẫn cơ sở xây dựng hơn 6.400 phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ sở và tự tổ chức thực tập; xây dựng hơn 250 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với sự tham gia của nhiều lực lượng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên 10.340 cơ sở, nhà máy, chợ, siêu thị.
 
Đại diện các cơ quan, đơn vị, lực lượng PCCC tỉnh đã thảo luận, chia sẻ những biện pháp nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu, cứu hộ; những kinh nghiệm hay trong thực tiễn và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC tỉnh ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của lực lượng PCCC trong việc thực hiện hiệu quả Nghị định số 83 của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác cứu nạn, cứu hộ là lĩnh vực phức tạp, quá trình triển khai thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ cần phải được thực hiện theo một quy trình thống nhất, xuyên suốt, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, an toàn và hiệu quả. Phải kiện toàn, củng cố lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại các khu dân cư, cơ sở. Phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng các hình thức cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Xác định việc bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là lực lượng nòng cốt. Lấy công tác phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho từng cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Thường xuyên kiểm tra, thực tập tập phương án tại chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, nhà máy và các khu vực có nguy cơ cao. Phát huy hình thức tuyên truyền hiệu quả trên báo hình, báo điện tử, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên mạng xã hội… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền.
 
Lực lượng PCCC phải nâng cao nghiệp vụ trong thời gian sắp tới, nhất là việc tiếp cận những phương tiện, những trang thiết bị hiện có trong nước cũng như nước ngoài sản xuất. Nếu không tập huấn, không tiếp cận thì rất là khó. Lực lượng nòng cốt phải hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương để áp dụng, vận hành và sử dụng các trang thiết bị hiện đại.

 
 
Dịp này, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khen thưởng cho 08 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích trong 05 năm thực hiện Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ./.
 
Tiến Công, Ngọc Hoàng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng