Tin tức

Thủ tướng Chính phủ: 9 nhóm giải pháp lớn phát triển thị trường lao động

Thứ bảy, 20/08/2022 - 20:15

Sáng nay 20/8, tại điểm cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì và tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc để đưa ra các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Chủ trì và phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 09 nhóm giải pháp lớn để phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì và tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc để đưa ra các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Thời gian qua, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Hiện, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2 - 2,3%. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động. Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn. Chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả. Tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển. Đặc biệt, lao động Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang hết sức nỗ lực khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt là đối với thị trường lao động và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch. Thủ tướng Chính phủ nhận định, trong giai đoạn phát triển mới, có cả những thời cơ, vận hội đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh 09 nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới. Thủ tướng đề nghị phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất. Tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm. Doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường. Đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
 
Tăng Thư, Mỹ An/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng