Tin tức

Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi

Thứ năm, 18/08/2022 - 22:39

Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 là một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc đã vùng lên đánh đổ ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

 
Tại Quảng Ngãi, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, cuộc khởi nghĩa tháng Tám nổ ra từ ngày 14/8/1945. Hiệu lệnh khởi nghĩa bắt đầu từ tiếng trống vang lên ở làng Thi Phổ Nhất, huyện Mộ Đức và hai ngày sau đó đã giành thắng lợi trong toàn tỉnh. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước giành chính quyền thành công trong mùa Thu cách đây 77 năm.
 
 
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và trong hồi ký của những thành viên của Đội du kích Ba Tơ, của những tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam thì những ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 và cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình (tên gọi tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ) là những ngày sục sôi khí thế, cháy bỏng lý tưởng độc lập.

 
Để có một ngày thu cách mạng rực rỡ, như nhận xét của Trung tướng Phạm Kiệt người con ưu tú của Quảng Ngãi “là kết quả của sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu thế hệ gan góc chống đế quốc phong kiến đúc lại mới có một ngày tháng Tám vẻ vang”.
 
 
Trước đó 5 tháng, khi Khởi nghĩa Ba Tơ vào ngày 11/3/1945 thành công, Đội du kích Ba Tơ được thành lập và chọn núi Cao Muôn để xây dựng căn cứ tổ chức học tập chính trị và huấn luyện quân sự rồi tiến về đồng bằng thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, lấy vùng Vĩnh Sơn ở huyện Sơn Tịnh và Núi Lớn ở huyện Mộ Đức để xây dựng chiến khu.

 
 
Trong hồi ký “Từ núi rừng Ba Tơ” của Trung tướng Phạm Kiệt: “Tiếng rằng ở chiến khu Vĩnh Sơn có tổ chức một đại đội du kích lấy tên là đại đội Phan Đình Phùng nhưng thực ra quân số đông đến hàng ngàn người. (Tuy vậy, chúng tôi cũng chỉ tổ chức thành bốn phân đội”. Riêng các chiến sĩ sử dụng kiếm, nếu biên chế theo bây giờ thì cũng có tới hàng tiểu đoàn. Để cho việc trang bị, tiếp tế gọn nhẹ và để giữ vững nòng cốt ở các địa phương, Ban chỉ huy đại đội chủ tương cứ từng đợt huấn luyện thuần thục lại tung về các xã. Nhờ cách huấn luyện luân chuyển như vậy mà đến ngày Tổng khởi nghĩa, Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi của Tổng bộ Việt Minh một lúc có thể huy động hàng ngàn chiến sĩ.
 
Ở chiến khu Nam, trong thời kỳ này, Đại đội Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Đôn chỉ huy cũng đã được khẩn trương xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Quân số có hàng ngàn người kể cả du kích bán chính thức. Các đội tự vệ cũng đã xây dựng khắp nơi”.

 
 
Đến tháng 6/1945, trước tình hình thế giới chuyển biến, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến hồi kết thúc. Theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề ra chủ trương tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Đến tháng 7/1945, tại Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, hội nghị liên tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông qua kế hoạch khởi nghĩa khi thời cơ đến.

 
 
Ngày 14/8/1945 khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác Định thời cơ đã đến và cấp tốc ra 2 chỉ thị số 8 và số 9 chủ trương nổi dậy vũ trang khởi nghĩa. Đúng 16h ngày 14/8/1945 tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ làng Thi Phổ Nhất (huyện Mộ Đức) nơi đóng cơ quan của Tỉnh ủy. Mệnh lệnh khởi nghĩa truyền đi đến đâu, nhân dân lập tức vũ trang gậy gộc cùng các tổ chức tự vệ cứu quốc và du kích cứu quốc vùng lên khởi nghĩa. Tỉnh ủy cũng chỉ thị cho Đại đội Phan Đình Phùng tiến đánh đồn Di Lăng, Sơn Hà, Trà Bồng, Châu Ổ. Đại đội Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Trong ngày 15 và 16/8, các lực lượng tự vệ và nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm các điểm trọng yếu của tỉnh lỵ Quảng Ngãi như đồn lính khố xanh, khố đỏ, Sở mật thám, dinh Tỉnh trưởng. Chính quyền cách mạng các cấp được thành lập. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 
 
Ngày 30/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức mít tinh mừng chiến thắng và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình.

 
Trong hồi kí cách mạng “Từ núi rừng Ba Tơ”, Trung tướng Phạm Kiệt đã ghi rõ về ngày hội lớn: “Nhân dân các huyện kéo về tỉnh lỵ đông nghịt, khí thế bừng bừng. Ở phía Bắc, đoạn đầu của đoàn Sơn Tịnh đã vào phố mà đoạn cuối vẫn còn ở bên kia cầu Trà Khúc bốn cây số. Đoàn Nghĩa Hành kéo dài từ sân vận động đến Gò Lăng. Đoàn Tư Nghĩa dài  bảy cây số. Hai đại đội du kích Ba Tơ lúc này triệu tập các chiến sĩ cũ trở về đội ngũ thành một đội quân trên dưới hai ngàn người với bốn trăm khẩu súng. Nếu kể cả du kích địa phương thì có hàng vạn”.
 
 
 “... Đồng chí Nguyễn Chánh đứng lên tuyên bố: “Theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, từ ngày khởi nghĩa Ba Tơ, đồng bào “Lê Trung Đình” đã đứng lên muôn người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Ngày 14/8 quân Nhật đầu hàng. Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, chúng ta đã hy sinh chiến đấu, giành chính quyền từ miền núi đến trung châu. Đến ngày 16/8, chính quyền toàn tỉnh đã thuộc về ta. Ủy ban nhân dân cách mạng đã được thành lập, trật tự an ninh được khôi phục bình thường. Nay Mặt trận Việt Minh tổ chức chúc mừng ngày toàn thắng và Ủy ban  nhân dân cách mạng tỉnh Lê Trung Đình ra mắt đồng bào.
 
Đồng chí Trần Toại chủ tịch và các đồng chí trong ủy ban dứng lên tuyên thệ nguyện đem hết tinh thần và nghị lực phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân” - Trích hồi ký “Bình minh Ba Tơ”, trung tướng Nguyên Đôn.
 
Cuộc cách mạng tháng Tám ở tỉnh Quảng Ngãi đã đi vào lịch sử Đảng bộ Tỉnh Quảng Ngãi với những trang vàng chói lọi. Những ngày tháng Tám hào hùng “Quần chúng cách mạng đã đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Không một kẻ thù nào có thể lay chuyển sức mạnh vô bờ của nhân dân” – Trích hồi ký của Trung tướng Phạm Kiệt./.
 
Quý Cầu, Thanh Trung, Lương Triều/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng