Tin tức

Khởi sắc ở các xã khu tây huyện Tư Nghĩa

Thứ năm, 18/08/2022 - 21:54

Các xã Khu Tây của huyện Tư Nghĩa là cái nôi cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, huyện Tư Nghĩa nói riêng trong những năm tháng chiến tranh. Từ sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã khu Tây của huyện Tư Nghĩa đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gặt hái nhiều thành công. Trong những ngày Thu tháng Tám, chúng ta cùng về lại các xã Khu Tây của huyện Tư Nghĩa để hiểu rõ hơn về sự trung dũng kiên cường của người dân nơi đây trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những nỗ lực bền bỉ, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

 

 
Dọc tuyến Tỉnh lộ 623B, từ Thành phố Quảng Ngãi về các xã khu Tây của huyện Tư Nghĩa, bạt ngàn màu xanh của những rừng keo, lúa, bắp. Khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân các xã khu tây hôm nay đã tô điểm, ngời thêm ý chí quật cường, không gì thay đổi được, kiên cường trong đấu tranh và cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất thời kỳ đổi mới.
 

Tượng đài Chiến thắng Xuân Phổ
 
Tượng đài Chiến thắng Xuân Phổ - địa chỉ đỏ cách mạng của vùng quê Nghĩa Kỳ ghi dấu sự kiện chiến thắng Xuân Phổ năm 1945, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi. Sau khi giành được chính quyền, quân và dân Xuân Phổ tiếp tục kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, giành nhiều chiến công hiển hách. Ngôi làng nhỏ nằm ven sông Trà này từng là nỗi khiếp sợ của Mỹ, ngụy. Vùng “Cách mạng đỏ” hào hùng một thuở, giờ là làng quê thanh bình, thơ mộng bên dòng Trà Khúc hiền hòa.

 

Ông Phan Đình Thám, Thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa
 
Ông Phan Đình Thám, Thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, cho biết: Trong những năm gần đây về đời sống kinh tế của nhân dân xã Nghĩa Kỳ có bước phát triển. Đảng và Nhà nước quan tâm về sửa chữa và xây mới nhà ở cho người có công, trường, lớp...

 
 
Ngược về các xã khu Tây, di tích vụ thảm sát thôn 2, xã Nghĩa Lâm, các căn cứ Hố Hầm, Hòn Ngang, Đá Bàn... vẫn còn đó. Ký ức về thời chiến tranh oanh liệt đã lùi xa, nhưng trong tâm khảm của những thế hệ hôm nay, tinh thần cách mạng ở các xã khu Tây là cả một niềm tự hào. Với nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho các xã khu Tây huyện Tư Nghĩa.

 

Ông Nguyễn Duy Nhịp, thôn 2, xã Nghĩa Lâm
 
Ông Nguyễn Duy Nhịp, thôn 2, xã Nghĩa Lâm, nói: Được sự quan tâm của các cấp Nghĩa Lâm đã xây dựng xã văn hóa đầu tiên của tỉnh, xã nông thôn mới. Chính vì vậy cơ sở điện đường trường trạm ngày càng thay da đổi thịt, đời sống dân dân được ổn định.

 
 
Phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, người dân các xã khu Tây huyện Tư Nghĩa đã nỗ lực vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xã hội. Diện mạo làng quê ngày một khang trang. Điều đáng mừng là, các xã khu Tây đã đồng lòng, nỗ lực vươn lên xây dựng nông thôn mới. Đến nay các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền, Nghĩa Thắng đều đạt xã Nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã Nông thôn mới nâng cao.

 

Ông Võ Tấn Bông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa
 
Ông Võ Tấn Bông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa, cho rằng: Nghĩa Lâm tổ chức phát động các phong trào vệ sinh tuyến đường vào ngày mùng mười hàng tháng, và các tuyến đường được bà con đóng góp cùng với nhà nước bê tông hóa các tuyến đường thôn xóm và đi ra nội đồng, đời sống nhân dân ngày được cải thiện, mức sống của người dân rất cao, thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,94% đến năm 2022.

 
 
Trên địa bàn các xã khu Tây huyện Tư Nghĩa đã và đang hình thành các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn, phát triển kinh tế rừng, trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao, tạo sự khởi sắc cho vùng quê cách mạng anh hùng. Hiện thu nhập bình quân của người dân các xã khu tây đã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hộ khá giàu ngày một tăng cao, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Tư Nghĩa.

 

Ông Hồ Sỹ Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tư Nghĩa
 
Ông Hồ Sỹ Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tư Nghĩa, nói: Các xã khu tây Tư Nghĩa là những đơn vị có truyền thống cách mạng trong chiến tranh, có nhiều địa phương là chiếc nôi của cách mạng. Trước chiến tranh bị tàn phá rất nặng nề. Từ ngày giải phóng mùa xuân năm 1975 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành đảng bộ, Ban Thường vụ huyện ủy, các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân khắc phục khó khăn và xây dựng cuộc sống mới.
 
Các xã khu Tây huyện Tư Nghĩa đang từng bước đổi thay. Đời sống người dân ngày càng nâng cao. Truyền thống anh hùng trong đấu tranh đang được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã Khu tây huyện Tư Nghĩa phát huy trong công cuộc phát triển kinh tế hôm nay để nhà nhà, người người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
 
Trà My, Ngọc Phú/Trung tâm TT-VH-TT huyện Tư Nghĩa
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng