Tin tức

Ngôi đền thờ thần lửa duy nhất ở Việt Nam

Thứ năm, 11/08/2022 - 14:26

Hỏa hoạn luôn là hiểm họa thường trực trong đời sống con người, đe dọa lớn đến tính mạng và tài sản của người dân. Cách đây nhiều thế kỷ, người dân kinh thành Thăng Long đã rất ý thức trong việc phòng ngừa hiểm họa này. Thậm chí, người dân còn lập ngôi đền thờ Hỏa Thần để cầu xin sự che chở trước các vụ hỏa hoạn, và đến nay, ngôi đền Hỏa Thần ở số 30 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là ngôi đền thờ thần Lửa duy nhất tại Việt Nam.


Ngôi đền thờ thần lửa duy nhất ở Việt Nam
 
Từ xa xưa, ông cha ta đã rút ra được 4 yếu tố gây thiệt hại lớn nhất với cuộc sống con người là: Thủy – hỏa – đạo – tặc. Theo lịch sử ghi chép, ngôi đền thờ thần Lửa này được người dân kinh thành Thăng Long xây dựng vào thế kỷ 19. Khi đó, nhà cửa của nhân dân kinh thành Thăng Long chủ yếu làm từ gỗ, tre nứa được xây liền kề nhau, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn.

Ông Trịnh Văn Hùng - Phó Trưởng tiểu ban quản lý di tích đền Hỏa Thần, cho biết:  Đến cuối năm 1838, qua nhiều đợt hỏa hoạn lớn, người dân có lập lên ngôi đền thờ Thần Lửa để xin ngài trị hỏa tai. Ngày xưa ngôi đền chỉ là một nơi thờ nhỏ, nhưng sau quá trình trùng tu lại qua 3 đợt thì được như bây giờ.

Cũng theo ông Hùng – người trông nom ngôi đền theo phân công của chính quyền địa phương, vị Hỏa Thần được thờ trong đền là Quang Hoa Mã Nguyên Súy, một trong hai vị thần Lửa theo tín ngưỡng dân gian. Năm 1997, đền Hỏa Thần đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam. Kể từ đó, ngôi đền được quan tâm và trùng tu khang trang hơn. Còn trước đó, rất ít người dân biết đến ý nghĩa và tầm quan trọng của ngôi đền đặc biệt này. 

 

Ngôi đền thờ thần lửa  được xây dựng từ thế kỷ 19.
 

Bà Vũ Thị Thân – phố Hàng Điếu, Hà Nội:  Trước cũng chỉ biết nó là đền Hỏa thần, thuộc về phố mình thì mình đi lễ thôi, chứ không quan tâm nhiều lắm.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội, khiến đền Hỏa thần càng ít người biết đến, dù đây là ngôi đền thờ thần Lửa duy nhất trên cả nước. Quá trình đô thị hóa càng khiến ngôi đền trở nên nhỏ bé với không gian hiện đại xung quanh. Có lẽ đó là lý do khiến  một tục thờ xuất phát từ nhu cầu bức thiết của đời sống này ngày càng bị mai một.

 
Thu Phương – Trọng Đông

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng