Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Thứ ba, 26/07/2022 - 20:59

Chiều nay 26/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự buổi làm việc có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Quảng Ngãi có Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi
 
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi để ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá. Cụ thế hóa các nhiệm vụ này, Quảng Ngãi đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 3 kết luận. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản khắc phục tồn tại, hạn chế của tỉnh trong thời gian qua. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, trong điều kiện dịch bệnh nhưng Quảng Ngãi đã tập trung phòng chống dịch hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, góp phần khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Ngãi tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2021 đạt 52.956 tỷ đồng, tăng 6,05%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.360 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ năm 2021 chiếm 65,6%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 27,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt 24.193 tỷ đồng, bằng 133,7% dự toán HĐND tỉnh giao, vượt 51,1% chỉ tiêu Trung ương giao. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao so bình quân chung của cả nước. Năm 2021, giải ngân đạt 93% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao và 88,4% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1%.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng. GRDP tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Văn hóa - xã hội được chỉ đạo sâu sát, toàn diện. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện.
 
Về công tác xây dựng Đảng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới mạnh mẽ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh quan tâm đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung xem xét, cho ý kiến tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề, nội dung tồn tại của nhiều năm trước, vấn đề bức xúc lâu dài trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng. Công tác xây dựng tổ chức đảng đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng luôn được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng chính quyền. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đạt kết quả tích cực. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và thực tiễn của tỉnh. Các định hướng phòng, chống dịch bệnh được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Trung ương. Tỉnh đã đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở các ngành và các địa phương, đơn vị; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ngãi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
 
Quảng Ngãi cũng đã thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ từ Trung ương theo quy định, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hỗ trợ cho hơn 111 ngàn người, với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng. Về thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn và mức vốn đối ứng của ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; 06 Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, cần xác định nhiệm vụ thành lập Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất để phát triển công nghiệp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đưa nội dung này vào Quy hoạch năng lượng quốc gia. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành cần quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện sớm hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo sự kết nối giao thông đồng bộ với tuyến đường ven biển của các tỉnh trong khu vực như tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Ưu tiên gói kích thích kinh tế từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối đối với các khu kinh tế có đóng góp cho ngân sách Trung ương nhằm tạo động lực mới cho phát triển trong giai đoạn đến. Xem xét cho chủ trương “Hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030”. Quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi để hình thành Khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất tại tỉnh Quảng Ngãi. Có cơ chế, chính sách đặc thù về kinh doanh xăng dầu và giá bán xăng dầu tại các đảo theo hướng cho phép đối với những địa bàn đặc thù như đảo Lý Sơn được bán với giá bán cao hơn giá vùng 2 để áp dụng chung trong cả nước. Nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống kênh xung quanh đảo để thu gom nước vào các bể trữ tập trung, khoảng 1 triệu m3, phục vụ cấp nước lâu dài, ổn định cho huyện Lý Sơn. Xem xét, bố trí đủ vốn hoàn thành Dự án trung tâm y tế quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn./.
 
Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng