Tin tức

Tai nạn rình rập ngư dân nghề lặn đêm

Thứ hai, 18/07/2022 - 10:38

Lặn đêm là một trong những nghề khai thác hải sản khá phổ biến của ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện công suất nhỏ, thiết bị lặn thô sơ và số lượng lao động trên thuyền chỉ từ 1 - 3 người, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn trên biển.

 

 
Sau 20 năm mưu sinh bằng nghề lặn, ông Tập phải bỏ nghề để tìm công việc mới. Cuối tháng 6 vừa qua, ông cùng một bạn thuyền đi lặn hải sản ở vùng biển ven bờ đảo Lý Sơn ở độ sâu khoảng 30 mét thì máy tạo khí ôxy bị hỏng. Sự cố xảy ra trong đêm làm người bạn thuyền mất tích, ông may mắn được cứu nạn sau 02 giờ trôi dạt trên biển.
 

Ông Dương Tập, Ngư dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
 
Ông Dương Tập, Ngư dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Trong lúc lặn xuống thì trên này có hơi, nhưng càng ngày càng xuống sâu nó cắt hơi luôn. Không có hơi nữa thì tôi vọt lên tôi bơi về ghe, bơi miết mà nước chảy quá không về ca nô được. Đâu may gặp cái ca nô thằng Được thì chừng đó mới biết sống.

 
 
Lặn đêm khai thác hải sản là nghề mang lại thu nhập cao nhưng đa phần sử dụng phương tiện, thiết bị thô sơ nên nguy cơ xảy ra tai nạn.

 

Ngư dân Đặng Quang Vương, Thôn Tây An vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
 
Ngư dân Đặng Quang Vương, Thôn Tây An vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Sống nhờ cái máy không, hễ cái máy nó ổn định thì mình khỏe, còn nó trục trặc gì thì mình nguy hiểm; nên cái sự rủi ro nó rất là lớn. Mình sống nhờ nó không, chứ mình đâu có lệ thuộc vào mình đâu.
 
Ở đảo Lý Sơn, năm nào cũng xảy ra chết người, mất tích do lặn đêm khai thác hải sản. Riêng trong tháng 6 vừa qua đã xảy ra 02 vụ tai nạn liên tiếp khiến 2 ngư dân bị mất tích. Nguy hiểm là vậy nhưng nhiều người vẫn coi thường sự an toàn và đặt cược tính mạng mình cho biển cả.

 

Ông Nguyễn Sỹ, Thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
 
Ông Nguyễn Sỹ, Thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Cứ mở bình hơi, thả cái neo xuống đó rồi lặn trong vòng bao nhiêu bán kính, đường kính tùy theo cái dây hơi; rồi có cái hoa lợi ốc, nghêu, bắn cá thu hoạch về bữa nào cũng có tiền; nhưng mà quên đi cái quí giá nhất là an toàn cho con người.

 

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
 
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, trực tiếp là đồn biên phòng; mà nhất là phòng kinh tế, cơ quan quản lý về phương tiện tàu thuyền sẽ có tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn và quán triệt để ngư dân tự bảo vệ và cũng phải chấp hành. Chứ nếu không nó xảy ra như thế thì cũng rất khó khăn cho gia đình và quản lý nhà nước trên địa bàn huyện.
 
Những năm gần đây, số phương tiện nghề lặn ven bờ ở Lý Sơn tăng nhanh. Song, đa số ngư dân không tuân thủ qui trình lặn an toàn, không có kiến thức sơ cấp cứu tai biến nên khi bị sự cố về lặn thường không được xử lý kịp thời./.
 
 Văn Tánh, Nguyễn Ngọc/Biên phòng Quảng Ngãi
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng