Tin tức

Keo bị chết hàng loạt do một số loại nấm

Chủ nhật, 17/07/2022 - 21:14

Gần đây, nhiều diện tích keo của người dân ở xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa bị khô héo, chết cây. Tình trạng keo chết xuất hiện ngày càng nhiều hơn, khiến người trồng keo lo lắng. Ngành nông nghiệp đã tìm ra nguyên nhân là do một số loại nấm và hướng dẫn người dân cách phòng, trừ.

 

Keo bị chết hàng loạt do một số loại nấm.
 
Xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa có diện tích keo là 1.200 ha. Trong đó, diện tích keo từ 01 đến 02 năm tuổi khoảng 700 ha thì có 70 ha bị chết. Tỷ lệ keo chết cây từ 10% đến 20%, có nơi 30%. Bệnh đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
 

 
Ông Phạm Văn Thếch, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa cho rằng: Qua báo cáo của người dân trước đây keo chết lác đát, trong năm 2022 chết nhiều hơn. UBND xã báo cáo với cơ quan dịch vụ nông nghiệp.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi tiến hành lấy mẫu cây keo có triệu chứng bị bệnh để xác định tác nhân gây bệnh. Kết quả giám định là do một số loại nấm gây hại trên cây keo.

 

 
Ông  Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho rằng:  Theo kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung thì cây keo ở xã Nghĩa Sơn bị 5 loại nấm gây ra. Và qua kết quả nhận định triệu chứng thì chi cục cùng trung tâm nhận định trong đó có 2 loại nấm chính gây ra hiện tượng đen thân và nấm gây ra hiện tượng thối rể.
 
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, thống kê diện tích keo nhiễm bệnh. Tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng trừ để hạn chế sự lây lan gây hại của bệnh, tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất keo trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh cho biết thêm: Chặt thu gom các cây bị bệnh đem ra khỏi vườn tiêu hủy và dùng vôi nông nghiệp rải vào vị trí gốc để xử lý nguồn bệnh. Không tận thu vận chuyển các cây bị bệnh sang các nơi khác, vì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát tán lây lan gây hại. Tỉa cành, vệ sinh vườn keo, phát dọn thực bì để tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng, phát triển, hạn chế sự lây lan trong vườn. Khơi thông mương rãnh để hạn chế tình trạng ngập úng nước, đọng nước sau mưa để hạn chế nấm bệnh phát tán lây lan trong vườn.

Nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới, bệnh có khả năng tiếp tục lây lan gây hại, làm ảnh hưởng đến sản xuất keo của tỉnh. Khuyến cáo các địa phương và người dân tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng trừ để hạn chế sự lây lan, gây hại của bệnh.

 
Mai Hạnh, Ngọc Hoàng/PTQ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng