Tin tức

Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

Thứ bảy, 02/07/2022 - 15:40

Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tham dự buổi Tọa đàm khoa học "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới". Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 Trần Tuấn Anh đã dự, chủ trì và chỉ đạo toạ đàm. Đồng chủ trì có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 Nguyễn Hồng Sơn; Lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 Trần Tuấn Anh chủ trì và chỉ đạo toạ đàm
 
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới" có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39 hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng. Đây là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua. Đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung trong thời gian tới.
 

Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”
 
Tại buổi tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng đánh giá lại kết quả liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua. Nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phù hợp với bối cảnh tình hình mới, nhất là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh đối với khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đây là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá. Toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km… Đó là những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Nghị quyết 39 của TW định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông - Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan”. Tuy nhiên, theo đánh giá, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, và đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã trực tiếp đối thoại, thảo luận, đưa ra các góc nhìn khác nhau về định hướng vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Làm rõ thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn, xu hướng liên kết phát triển vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức mới xuất hiện. Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cũng đã nêu các ý kiến đề xuất về cơ chế, chính sách liên kết, phát triển cho vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới.

 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng: Đây là cơ sở để tiếp thu các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu báo cáo với Bộ Chính trị trong quan điểm về phát triển vùng cũng như liên kết vùng trong điều kiện phát triển chung cho các vùng phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Những ý kiến, nội dung các đại biểu đã đề cập đến là rất có giá trị và bám rất sát thực tiễn, các cơ quan tham mưu của Đảng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng và có trách nhiệm để tổng hợp, tổng kết thật tốt trong khuôn khổ đề án Nghị Quyết 39 để chia sẻ trao đổi và thống nhất trong nhận thức chung, nhưng phải bắt đầu từ khâu thống nhất trong nhận thức và tư duy về liên kết phục vụ cho phát triển để chúng ta có sự thống nhất trong hành động và sau này trong quá trình thể chế hóa và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong cả hệ thống chính trị của chúng ta.

Những ý kiến từ lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học tại toạ đàm đã góp phần giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39 hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng trong thời gian tới./.
 
Thực hiện: Kim Ngân, Trần Chiến 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng