Tin tức

Khánh Hòa tìm giải pháp phục hồi rạn san hô Hòn Mun

Thứ năm, 23/06/2022 - 07:17

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có quần thể sinh thái biển đa dạng, phong phú, và là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, do sức ép phát triển kinh tế, du lịch, khiến hệ sinh thái tự nhiên nơi đây đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Một số loài động, thực vật biển đang rơi vào tình trạng "báo động đỏ" về sự sinh tồn. Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cuộc họp với các chuyên gia để tìm các giải pháp lâu dài, xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái nơi đây, đặc biệt là rạn san hô tại khu bảo tồn Hòn Mun.


Khánh Hòa tìm giải pháp phục hồi rạn san hô Hòn Mun
 
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang được thành lập năm 2001, có diện tích khoảng 160 km2, trong đó có khoảng 122 km2 mặt nước, bao quanh 9 hòn đảo. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó san hô cứng được ghi nhận tập trung nhiều ở Hòn Mun. Tuy nhiên, gần đây tình trạng suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn Hòn Mun và một số khu vực khác đang diễn ra nghiêm trọng.

Ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Khánh Hòa, nói: Trong vịnh Nha Trang cũng có một số điểm bị tác động vì tự nhiên do con người. Qua đánh giá khảo sát sơ bộ có 60 -70% san hô tạo rạn gần bờ bị sóng đánh khu vực này. Không riêng gì khu vực này, các khu vực phía bắc, tây nam Hòn Mun đều bị.

 

Qua đánh giá khảo sát sơ bộ có 60 -70% san hô tạo rạn gần bờ bị sóng đánh.

Nếu năm 2015 khảo sát hệ sinh thái san hô ở tình trạng tốt, độ phủ trung bình thì năm 2022 chỉ còn chất lượng trung bình và kém. Nguyên nhân khách quan là do thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót.

PGS. TS Nguyễn Tác An, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, nói: Đầu tiên nên có một tổ chức, chuyên gia để họ đánh giá, người ta xem xét và người ta cho ý kiến cụ thể suy thoái đến mức độ nào, cách khắc phục thế nào, thì tôi nghĩ cái này khoa học có thể giúp cho địa phương, giảm thiểu suy thoái, dần phục hồi được. Tất nhiên, phục hồi cái này cần lâu dài, phải có vấn đề bảo vệ môi trường có hiệu quả, có chính sách khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên biển hiệu quả. Vai trò của người dân trong vịnh Nha Trang, nhất là cư dân bản địa phải trọng dụng nó, tham gia bảo vệ.

Để sớm có giải pháp và kế hoạch cho sự phục hồi của hệ sinh thái vịnh Nha Trang, mới đây, kết luận cuộc họp về vấn đề này Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu, trước mắt phải tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại đến rạn san hô, đặc biệt là Hòn Mun; đồng thời khoanh nuôi bảo vệ các khu vực nhạy cảm trên vịnh Nha Trang; Đến trước tháng 7, phải hoàn thành xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.

 
Phan Sáu – PV TTXVN tại Khánh Hòa

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng