Tin tức

Lưu học sinh Lào tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh

Thứ bảy, 18/06/2022 - 17:36

25 lưu học sinh Lào đang học tập tại tỉnh Quảng Ngãi đã có cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa Sa Huỳnh và khám phá, trải nghiệm về không gian sống cổ xưa của người dân ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ. Hoạt động do Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, hướng đến kỉ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào và 45 năm Ngày kí Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.

 

Lưu học sinh Lào tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh.
 
Các lưu học sinh Lào đã đến tham quan Nhà Trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây đang trưng bày hơn 250 hiện vật, ảnh, tài liệu theo chủ đề về lịch sử phát triển, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi. Sự giao thoa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khu vực Đông Nam Á hơn 3.000 năm trước.

Tham quan, tìm hiểu về di tích khảo cổ học Long Thạnh trên gò Ma Vương. Nơi đây vào năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet lần đầu tiên phát hiện được trên 200 mộ chum có niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm.

Tìm hiểu về đầm An Khê, đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực đầm và vùng phụ cận là không gian, môi trường sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ. Khung cảnh bình yên, thơ mộng, đầm An Khê là nơi cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ.

Các lưu học sinh Lào cũng đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm không gian sống cổ xưa tại làng Gò Cỏ. Đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao.

 

 
DuangChampa Dovee , Lưu học sinh Lào tại tỉnh Quảng Ngãi bộc bạch: Em tới đây lần đầu tiên. Em thấy chỗ này rất đẹp, rất thích, có nhiều hoa, có dừa, có biển quá rộng.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực: Thông qua các hoạt động thực tế tại địa phương, các em được nghe câu chuyện về lịch sử văn hóa Sa Huỳnh, cũng như trải nghiệm các ẩm thực tại địa phương, giao lưu hát bài chòi, hát hố cùng với dân làng địa phương, góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, Không những giúp các em áp dụng vào công việc sau khi trở về địa phương mà còn góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa cổ trên lãnh thổ Việt Nam. Được tham quan, tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh giúp các lưu học sinh Lào thực hành giao tiếp tiếng Việt, biết thêm nhiều điều mới mẻ, những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi các em đang học tập.

 
Phi Khanh, Thanh Trung/PTQ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng