Tin tức

Nỗ lực giải cứu rạn san hô

Thứ sáu, 17/06/2022 - 06:52

Những ngày qua dư luận đang đổ dồn sự chú ý tới tình trạng hư hại của san hô ở khu vực Hòn Mun - khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Bức ảnh chụp mới nhất của rạn san hô cho thấy mức độ hư hại lên tới 70-80% so với năm 2015. Bảo tồn rạn san hô quý giá là bài toán chung của rất nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì tại Việt Nam. Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barier tại Australia cũng liên tục được cảnh báo trong thời gian gần đây vì bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác biển của con người.


Nỗ lực giải cứu rạn san hô
 
Tháng 5/2022, lần đầu tiên Chính phủ Australia ghi nhận tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới GBR bị tẩy trắng trong chu kỳ thời tiết La Nina.
Một đợt nắng nóng kéo dài vào mùa Hè ở Australia khiến 91% rạn san hô Great Barrier (GBR) tổn hại do bị tẩy trắng. Do đó, bảo tồn luôn là dự án lớn được giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường ấp ủ.

Ông Peter Harrison – Chuyên gia sinh thái học đại dương, cho biết:“Chúng tôi đã nghiên cứu hệ sinh thái và việc bảo tồn san hô tại vùng biển này nhiều năm qua. Thực sự chứng kiến những rạn san hô lần lượt bị tấn công, khiến chúng ta không thể ngồi yên.  Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến công việc của chúng tôi như ngày càng khó khăn hơn.”

Mới đây, nhà khoa học Rosie đã công bố một kỹ thuật mới đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn san hô mềm, hiện đang là loài san hô chưa được quan tâm đúng mức. Quá trình này bao gồm việc nghiền nhỏ san hô mềm, ướt sau đó đưa qua máy ly tâm, tách tế bào tảo ra khỏi protein san hô. Qua đó, xác định được tình trạng sức khỏe của san hô và có giải pháp can thiệp kịp thời.
 
Bà ROSIE STEINBERG  - Nhà khoa học biển Australia, nói: "Mặc dù ít được nghiên cứu hơn nhưng san hô mềm đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ sinh thái dưới đáy biển vì đây là nguồn thức ăn cho các loài khác. Hơn nữa loài này phát triển rất nhanh, vì vậy khả năng tái phục hồi sau đợt xáo trộn là rất lớn. Và đặc điểm này cũng mở ra hướng nghiên cứu bảo tồn cho chúng ta.”

 

San hô nhiều nơi trên thế giới đang bị tẩy trắng.
 
Bên cạnh các giải pháp về khoa học, hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đang được đẩy mạnh tại Australia hơn bao giờ hết, với một kế hoạch mang tên "San hô 2050" với số tiền đầu tư 700 tỷ USD.

Nỗ lực của Australia cũng là “đường đua” của nhiều nước khác, nhưng người dân Cuba lại có một cách làm độc đáo hơn – tái tạo một phần san hô mất đi.

Ông Luis Muino – Thợ lặn tại Cuba, nói: “Chúng tôi thu hồi các mảnh san hô vỡ và trồng chúng trên các giá làm từ ống nhựa cũ sau đó chuyển chúng về môi trường tự nhiên trên các rạn đá ngầm. Trong một năm, hầu hết các loài sống sót và phát triển đủ để tái tạo một phần của rạn san hô có chiều dài từ 60 đến 80m.”
 
Bên cạnh đó, thành viên dự án bảo tồn còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân và khách du lịch có các cách ứng xử đúng mực đối với hệ sinh thái dưới lòng biển.

Hy vọng sự đồng lòng từ cả chính phủ, người dân và giới khoa học cùng sự đầu tư đúng mức sẽ góp phần cải tạo, phục hồi loài sinh vật quý giá được ví như bức tường bảo vệ dưới đáy đại dương này.
 

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng