Tin tức

Tăng trưởng phải đi đôi với phát triển

Thứ năm, 16/06/2022 - 19:57

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý về chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một vấn đề quan trọng được lưu ý là Quảng Ngãi cần phải giải quyết được bài toán giữa tăng trưởng và phát triển. Mỗi năm, bằng các nguồn lực khác nhau để đầu tư thì tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước là hiển nhiên. Thế nhưng, có một thực tế là tăng trưởng chưa đi đôi với phát triển. Bởi cuộc sống người dân chưa được cải thiện rõ nét.

 

 
Đơn vị tư vấn đưa ra 3 kịch bản phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Kịch bản 1 là phát triển theo hướng đa trung tâm. Kịch bản 2 là phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện. Kịch bản 3 là phát triển theo hướng hài hòa và bền vững. Qua phân tích, đơn vị tư vấn chọn kịch bản 3. Theo kịch bản này, trong giai đoạn 2021 - 2030, các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như xăng dầu, thép, đóng tàu vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của tỉnh. Đến giai đoạn sau năm 2030 cần phân bổ nguồn lực để dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao như công nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
 
Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình với kịch bản 3 của đơn vị tư vấn vì kịch bản này phù hợp với xu thế phát triển chung trong thời gian tới. Nếu theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đột phá trong ngắn hạn nhưng sẽ ổn định. Quan trọng hơn là thực hiện phát triển một cách hài hòa giữa các lĩnh vực theo xu hướng xanh và bền vững trong tương lai.

 

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
 
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Trong 3 kịch bản đề ra của tư vấn nhìn chung được sự đồng thuận cao lựa chọn phương án 3, đây là phương án không phải có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 phương án nhưng nó đủ tốt để đạt được cái khát vọng về phát triển của cả nước nói chung vào năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước có thu nhập cao, nước phát triển và Quảng Ngãi cũng nằm trong cái xu hướng ấy nhưng mà tính đầy đủ hơn những yếu tố bền vững như là xanh, bao trùm, chất công nghệ nó gắng với cái mục tiêu ấy nó tốt hơn. Tăng trưởng không hoàn toàn là con số tổng mức đầu tư mà nó còn nằm ở chỗ lựa chọn, lựa chọn ở chỗ chúng ta tận dụng những cái nguồn lực, những cách tạo ra của cải vốn có và chúng ta dùng cái nguồn lực ấy để tạo ra sự phát triển theo cách khác.


Theo một số chuyên gia, về kịch bản tăng trưởng, chỉ tiêu đặt ra không nhất thiết phải theo cách của địa phương nào đó, mà phải gắn với thực trạng, tiềm năng mang tính khác biệt của Quảng Ngãi để đạt tới "bền vững, xanh". Quảng Ngãi cần tính đến thu hút lao động nhập cư cho kịch bản thu hút đầu tư phát triển sau năm 2025, và lường trước những khó khăn thiếu nguồn lao động trong tương lai. Ngay bây giờ phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nội tỉnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, đặc biệt là lao động phổ thông để hạn chế tình trạng thiếu lao động từ nay đến 2025 khi tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Trong đó chú trọng thu hút nhà đầu tư lớn, có uy tín, dành đất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Vì thế, Quy hoạch tỉnh phải chỉ rõ những chiến lược, không nên nói chung chung và phải quan tâm đến đầu tư hạ tầng đồng bộ để nhà đầu tư an tâm. Vấn đề phát triển dịch vụ logicstic cần phải tính toán, đảm bảo khả thi, hiệu quả, kết hợp tích hợp vùng, miền để tạo ra sự liên thông, nâng cao giá trị. Về phát triển giao thông, cần kết nối cao tốc thuận lợi, chứ không thể có sự chênh lệch quá xa về hạ tầng, tốc độ như hiện tại. Nguồn tiền sử dụng đất phải tận dụng hiệu quả, trên cơ sở quy hoạch theo từng khu vực, phân luồng giá trị để có giải pháp khai thác thích hợp.
 
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi quá phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn nhưng sức lan tỏa không cao. Việc huy động các nguồn lực để đầu tư thì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng trưởng là điều đương nhiên. Thế nhưng, chất lượng cuộc sống của đại đa số người dân chưa chuyển biến rõ nét. Chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền có xu hướng tăng cao. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi chưa đi đôi với phát triển.

 
 
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Quy hoạch cũng đã tính đến những cái thay đổi trong cách thức của mô hình phát triển, mô hình phát triển cho đến nay của Quảng Ngãi là tập trung vào một số điểm, một số chỗ và dựa nhiều vào một số doanh nghiệp lớn và như thế thị đại đa số người dân không được hưởng thụ từ sự phát triển này cho nên mô hình này phải thay đổi, mô hình này thay đổi thì quy hoạch này phải vạch ra được một mô hình mới, một cách thức phát triển mới, cách thức phát triển đó không chỉ vạch ra theo quy hoạch mà hành động của chính quyền này là chính sách, phân bổ nguồn lực phải thúc đẩy và khắc phục được sự phụ thuộc vào một số doanh nghiệp này, muốn như vậy thì phải có sự sáng tạo, tư duy nhiều hơn vào phát triển những vùng, những lĩnh vực khác, những ngành nghề khác ngoài khu công nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, trên góc độ ứng xử với doanh nghiệp, người dân, chỉ số đánh giá của Quảng Ngãi còn rất thấp. Vì vậy, chính quyền tỉnh cần phải nhìn nhận và có cách điều chỉnh, xây dựng thể chế phù hợp hơn. Tập trung khắc phục hạn chế, tăng độ kết nối thu hút đầu tư, thu hút du lịch, sớm thoát ra khỏi tình trạng xây dựng đô thị dàn trải, mờ nhạt. Hiện tại, cánh cửa hội nhập của Quảng Ngãi còn nhiều hạn chế. Quảng Ngãi phải vượt qua các thách thức để thực hiện mục tiêu phát triển theo kịch bản đề ra trong Quy hoạch tỉnh./.
 
Tăng Thư, Mỹ An/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng