Tin tức

UBND tỉnh cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp

Thứ tư, 15/06/2022 - 18:51

Sáng nay 15/06, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo thuyết minh Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; kế hoạch xây dựng 200 ngôi nhà an toàn, chống chịu bão lũ do UNDP tài trợ năm 2022; kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, huyện Bình Sơn.

 

UBND tỉnh cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp 
 
Đến cuối năm 2021, tổng diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt gần 120 ngàn ha. Trong đó, diện tích của hộ gia đình cá nhân khoảng hơn 73 ngàn ha, chiếm 61% diện tích rừng trồng sản xuất. Quy mô trung bình mỗi hộ khoảng 1-2 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai. Theo Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh có ít nhất 10 ngàn ha rừng có sự liên kết giữa chủ rừng với chủ rừng, giữa chủ rừng với doanh nghiệp được lập phương án quản lý rừng bền vững. 100% sản phẩm của liên kết được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Việc liên kết được thực hiện trong việc xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, liên kết kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng sản xuất. Kinh phí nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án hơn 7,3 tỷ đồng.
 
Đại diện một số địa phương cho rằng, mối quan tâm của doanh nghiệp khi thực hiện liên kết là vùng nguyên liệu. Còn với người dân là thu nhập. Vì thế, nhà nước cần đứng vai trò trung gian hài hòa lợi ích giữa các bên trong sự liên kết này. Vấn đề cũng cần quan tâm là doanh nghiệp có hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng, có chính sách bảo hiểm rủi ro hay không. Và mục tiêu lâu dài cần hướng đến là tính giữ rừng, tăng giá trị thu nhập cho người dân.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định, Đề án nhằm mang lại lợi ích cho người dân. Vì thế, trong lựa chọn liên kết, doanh nghiệp nào hỗ trợ có lợi cho dân nhất thì làm. Phải có sự ràng buộc, đảm bảo liên kết chặt chẽ. Trong Đề án không nên đặt nặng việc hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Sau cuộc họp này, UBND tỉnh sẽ làm việc với một số doanh nghiệp, sở, ngành, cơ quan liên quan phân tích, mổ xẻ một số vấn để để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện, trong đó sẽ chú trọng đến tính khả thi để đảm bảo Đề án phát huy hiệu quả.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
 
Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo Kế hoạch xây dựng 200 ngôi nhà an toàn, chống chịu bão lũ do UNDP tài trợ năm 2022. Quảng Ngãi đã được hỗ trợ xây dựng 683 nhà an toàn, phòng chống lụt bão ở 5 huyện ven biển gồm Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Bình Sơn và Tp. Quảng Ngãi. Trong đó, UNDP hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng. Dự án được triển khai giai đoạn 2017 - 2021, tuy nhiên nhà tài trợ cùng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý gia hạn đến tháng 6/2023 để hỗ trợ thêm 200 nhà tại các huyện ven biển của Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cam kết vốn đối ứng cho việc xây dựng 200 căn nhà.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, dự án mở rộng thêm 200 nhà dành cho người yếu thế, đơn thân là rất cần thiết. Vì thế, các địa phương lưu ý cần khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, hoàn thành trước ngày 30/7 để khi có kinh phí triển khai ngay. Những vấn đề gì vướng mắc báo cáo về tỉnh để sớm tháo gỡ. UBND tỉnh sẽ đặt vấn đề với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để có thêm nguồn hỗ trợ. Các địa phương cũng cần linh hoạt, tranh thủ vận động hỗ trợ thêm từ các nguồn để hỗ trợ thêm cho người dân.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng cho ý kiến đối với Dự án trồng rừng, phục hồi rừng thuộc Dự án Quỹ khí hậu xanh thông qua chương trình phát triển Liên Hợp quốc. Tính đến tháng 6/2022 đã thực hiện 73 ha, trong đó trồng mới hơn 22 ha, diện tích quản lý bảo vệ gần 50 ha tại Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Loại cây trồng là cây cóc trắng. Do ảnh hưởng của bão lũ nên tỷ lệ cây sống chỉ còn 30-40%. Đầu năm 2022, đơn vị thi công đã chủ động khắc phục trồng dặm hơn 20 ngàn cây. Diện tích trồng dặm, cây đang phục hồi tương đối tốt.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu duy trì việc chăm sóc để số cây trồng dặm phát triển tốt. Tăng cường phối hợp với địa phương ngăn chặn, không để người dân phá cây cối trong rừng ngập mặn. Cần khẩn trương có sự phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng. Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cần có văn bản đề xuất chuyển giao đơn vị quản lý theo hướng giao về cho xã. Huyện Bình Sơn cũng cần chủ động lập Đề án tổng thể đối với Bàu Cá Cái và rừng ngập mặn để phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển. Định hướng là phát triển Bàu Cá Cái theo hướng sinh thái. Trong đó nghiên cứu thành lập tổ hợp tác, kêu gọi doanh nghiệp là đối tác liên kết để cùng phát triển du lịch./.
 
Minh Hiền, Trường Thịnh/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng