Tin tức

UBND tỉnh nghe báo cáo đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất

Thứ tư, 15/06/2022 - 11:21

Sáng nay 15/06, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo thuyết minh Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo thuyết minh Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đến năm 2025
 
Đến cuối năm 2021, tổng diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 ngàn ha. Trong đó, diện tích của hộ gia đình cá nhân khoảng 73 ngàn ha, chiếm 61% diện tích rừng trồng sản xuất. Quy mô trung bình mỗi hộ khoảng 1-2 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai. Theo Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh có ít nhất 10 ngàn ha rừng có sự liên kết giữa chủ rừng với chủ rừng, giữa chủ rừng với doanh nghiệp được lập phương án quản lý rừng bền vững. 100% sản phẩm của liên kết được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Việc liên kết được thực hiện trong việc xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, liên kết kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng sản xuất. Kinh phí nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án hơn 7,3 tỷ đồng.
 
Một số địa phương cho rằng, mối quan tâm của doanh nghiệp khi thực hiện liên kết là vùng nguyên liệu. Còn với người dân là thu nhập. Vì thế, nhà nước cần đứng vai trò trung gian hài hòa lợi ích giữa các bên trong sự liên kết này. Vấn đề cũng cần quan tâm là doanh nghiệp có hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng, có chính sách bảo hiểm rủi ro hay không. Và mục tiêu lâu dài cần hướng đến là tính giữ rừng, tăng giá trị thu nhập cho người dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, Đề án nhằm mang lại lợi ích cho người dân. Vì thế, trong lựa chọn liên kết, doanh nghiệp nào hỗ trợ có lợi cho dân nhất thì làm. Phải có sự ràng buộc, đảm bảo liên kết chặt chẽ. Trong Đề án không nên đặt nặng việc hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Sau cuộc họp này, UBND tỉnh sẽ làm việc với 1 số doanh nghiệp, sở, ngành, cơ quan liên quan phân tích để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện, trong đó sẽ chú trọng đến tính khả thi, đảm bảo Đề án phát huy hiệu quả.
 
Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo Kế hoạch xây dựng 200 ngôi nhà an toàn, chống chịu bão lũ do UNDP tài trợ năm 2022; kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Bàu Cá Cái ở huyện Bình Sơn./.
 
Minh Hiền, Trường Thịnh/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng