Tin tức

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi thảo luận các dự án luật tại Quốc Hội

Thứ ba, 31/05/2022 - 19:24

Tiếp tục thông tin về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Chiều nay 31/5, tại phiên thảo luận tổ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy làm tổ trưởng tổ thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi thảo luận các dự án luật 
 
Góp ý về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi luật là rất cần thiết. Mục tiêu hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình. Góp phần gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Tại Khoản 5 Điều 33 quy định “Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu”. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 41 (về Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình), quy định: “2. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: a) Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; b) Cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh; c) Cơ sở trợ giúp xã hội; d) Trung tâm trợ giúp pháp lý; đ) Các cơ sở khác”. Như vậy, đối với trường hợp gia đình và các đối tượng bạo lực, bị bạo lực có nhà, nơi sinh hoạt gần các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thì việc quy định khoảng cách “từ 50m trở lên” hoặc dù ở nơi cách xa hơn 50 mét nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ cũng sẽ khó đảm bảo an toàn cho người bị xâm hại. Vì vậy, quy định chỉ về khoảng cách là chưa đầy đủ và đề nghị nghiên cứu bổ sung các biện pháp đối với quy định cấm tiếp xúc để bảo đảm an toàn cho người bị bạo hành.
 
Đại biểu Trần Thị Hồng An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh. Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

 

Đại biểu Trần Thị Hồng An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Đại biểu Trần Thị Hồng An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đáp ứng được công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; nghiên cứu bổ sung các quy định về vấn đề bạo lực đối với đối tượng người thiểu số tính dục (nhóm LBGTQ+ bao gồm những người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới, liên giới tính, đa dạng giới…). Việc bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại khoản 2 Điều 2 là điểm mới bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, tuy nhiên chưa thuyết minh đầy đủ trong hồ sơ . Để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (do sự khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản về ngôn ngữ), đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam  liên quan đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
 
Về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu trong tổ đã tập trung thảo luận và đề nghị nghiên cứu bổ sung điều luật (sau Mục 5 chương II) để thể chế hóa cơ chế “dân thụ hưởng” vào dự thảo Luật. Cụ thể gồm các nội dung như sau: chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh mạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa kiểu người dân phải “xin - cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của Nhân dân. Bảo đảm và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân một cách dứt điểm, kịp thời và hiệu quả./.
 
Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng