Tin tức

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030

Thứ hai, 30/05/2022 - 14:54

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.


Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030
 
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Cùng với đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí...Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Về giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các đại biểu cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề giám sát công tác quy hoạch của Quốc hội được đánh giá đã trúng và đúng với tâm tư, nguyện vọng của đa số cử tri, nhân dân cả nước.Công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế, một số quy định của pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH Hưng Yên, nói: “Công tác quy hoạch với vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, có nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế xã hội chúng ta phải có quy hoạch tốt. Do đó quy hoạch phải đi trước một bước. Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Luật Quy hoạch năm 2017. Để hoàn thiện hơn báo cáo giám sát công tác quy hoạch, tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 như sau. Thứ nhất, công tác quy hoạch  thực hiện tốt, phải bám sát Nghị quyết 13 của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới cũng như phải bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan. Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và địa phương. Đồng thời phải đánh giá toàn diện, đầy đủ thì khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của công tác quy hoạch và xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, thêm nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác trong công tác quy hoạch”.

Một số đại biểu chỉ rõ, trên thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, bất cập liên quan tới công tác rà soát quy hoạch, tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được thể hiện rõ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất…

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, hiện nay thời hạn lập khác nhau như tại TP HCM… do đó, kiến nghị đề xuất lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ. các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ, đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định, các Bộ, ngành đối với quy hoạch.”

Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, một số ý kiến đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa, gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

 
Hiền Hạnh – Phan Phương
 
 


 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng