Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi góp ý dự thảo luật Cảnh sát cơ động (Sửa đổi)

Thứ năm, 26/05/2022 - 19:08

Thông tin về chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Sáng nay 26/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường và thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia góp ý.

 

 Quốc hội làm việc tại Hội trường và thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Cảnh sát cơ động
 
Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường.
 
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Quốc phòng và An ninh.  Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cao với dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định, xác định cụ thể các chủ thể nào thuộc lực lượng Cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân trong từng trường hợp để áp dụng thống nhất, cụ thể.
 
Tại khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật có nội dung: “việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố”. Trong thực tế, có những trường hợp cần thiết phải có sự hỗ trợ của Cảnh sát cơ động vào các vị trí để thực hiện các biện pháp giới hạn tội phạm mà không phải là tội phạm, phần tử khủng bố. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu dự báo, bổ sung thêm các trường hợp cụ thể cần thiết có lực lượng Cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để bảo đảm bao quát, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Quảng Ngãi tham gia góp ý
 
Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 dự thảo quy định: “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả phương tiện, thiết bị ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại Khoản 4, Điều 32 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan”. Quy định này là chưa phù hợp và đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Khoản 4, Điều 32 (Trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động) quy định: “4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan”. Đề nghị xem xét lại nội dung Khoản 3 Điều 16 và Khoản 4, Điều 32 cho đảm bảo chặt chẽ và thống nhất.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định về xử lý vi phạm vì toàn bộ nội dung Dự thảo Luật chưa có quy định về khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và Luật Cảnh sát cơ động của lực lượng cảnh sát cơ động và cá nhân, tổ chức liên quan. Do đó để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của luật sau khi ban hành và bảo đảm quyền con người, quyền công dân nên đề nghị bổ sung điều luật quy định về xử lý vi phạm./.
 
Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng