Tin tức

Dồn điền đổi thửa là mang lại lợi ích cho nông dân

Thứ hai, 23/05/2022 - 18:22

“Phải tuyên truyền để người dân thấy được dồn điền đổi thửa mang lại nhiều lợi ích. Những cánh đồng mẫu lớn được đầu tư hạ tầng đồng bộ sẽ thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho nhà nông”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh sáng nay 23/5 tại buổi kiểm tra công tác dồn điền, đổi thửa ở huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đi kiểm tra thực tế quá trình dồn điền đổi thửa tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức và xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ
 
Trước khi làm việc với UBND huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã đi kiểm tra thực tế quá trình dồn điền đổi thửa tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức và xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ.
 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2013 đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã có 7/13 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa ở 69 xã trên khoảng 263 cánh đồng với diện tích hơn 7.600 hecta. Kinh phí thực hiện khoảng 186 tỷ đồng, trong đó, kinh phí UBND tỉnh đã cấp gần 110 tỷ đồng. Trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ có UBND huyện Mộ Đức đăng ký thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích 62 ha theo hình thức xã hội hoá.

 
 
 
Tại buổi làm việc, các địa phương cho rằng khó khăn hiện nay vẫn là kinh phí thực hiện. Nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa chưa kịp thời, phần kinh phí thực hiện hàng năm của tỉnh chưa giao cụ thể trên cơ sở chỉ tiêu diện tích nên các địa phương chưa chủ động triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo theo nhu cầu vốn. Chỉ thực hiện theo yêu cầu thực tế của địa phương, không cân đối nguồn vốn tỉnh giao dẫn đến nợ đọng. Việc xã hội hoá dồn điền đổi thửa chỉ thực hiện được ở những cách đồng có đất sét nhưng những cách đồng này rất ít nên khó nhân rộng. Tỉnh cần bố trí kinh phí để hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân đã thực hiện dồn điền đổi thửa.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, việc thực hiền dồn điền, đổi thửa trong thời gian qua đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn và đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất cây trồng tăng hơn trước. Tuy nhiên, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, nông dân vẫn sản xuất theo tập quán cũ, sản xuất chưa đồng bộ. Chưa gắn liền với việc xây dựng các tổ chức đại diện nông dân như Hợp tác xã, Tổ hợp tác nên chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo thời gian đến, các địa phương cần kết hợp thực hiện công tác dồn điền đổi thửa với quy hoạch bố trí hệ thống cây trồng trên đồng ruộng phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chủ động hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng Quyết định mới có sự tham gia của nông dân, chính quyền địa phương, theo lộ trình cụ thể và trên cơ sở nguồn lực của tỉnh. Đối với việc thực hiện xã hội hoá thì địa phương phải xây dựng phương án cụ thể, công khai minh bạc, phải có sự đồng thuận của người dân và trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng lưu ý các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được việc thực hiện dồn điền đổi thửa là mang lại lợi ích cho chính người nông dân, điều kiện canh tác thuận lợi, giá trị nông sản được nâng lên. Người dân cùng chung tay với nhà nước để thực hiện hiệu quả./.
 
Tiến Công, Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng