Tin tức

Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023

Thứ năm, 12/05/2022 - 14:20

“Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023- Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” diễn ra ngày hôm nay tại Hà Nội. Diễn đàn đã kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ góc nhìn và dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022-2023 và triển vọng một số ngành kinh tế chính. Đây là vấn đề đang rất được quan tâm trong bối cảnh có nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.


Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023
 
Bức tranh phục hồi thế giới đang gập ghềnh với tốc độ tăng trưởng, tác động rất lớn tới Việt Nam. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Điều đáng mừng là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam quý 1 năm nay tăng 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý trước. Điều này có được nhờ những chính sách của Chính phủ đã phát huy tác động, đặc biệt là chương trình phục hồi. 
 
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nói:Chúng tôi dự kiến xuất khẩu tăng 15-17%. Giải ngân FDI tăng 10-12%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5-7%. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 8-10%.Giải ngân 2 năm chương trình phục hồi 70%.
 
Theo các chuyên gia, rủi ro trước mắt của kinh tế Việt Nam là căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc, các biến thể mới của Covid-19 hoặc tiến triển thị trường BĐS. Tác động cuộc chiến Nga- Ucraina cũng tác động khiến tăng trưởng Việt Nam giảm 0.5% và lạm phát tăng 0.8%
 
Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam, nói:Tăng trưởng Việt Nam năm 2022 dự kiến là 6% và 2023 là 7.2% do hoạt động kinh doanh quay trở lại, xuất khẩu nhiều hơn và có nhiều nhu cầu mua sắm và lạm phát sẽ tăng trong ngắn hạn. Năm 2022-2023 lạm phát thấp hơn chút so với mục tiêu 4%.
 
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, các chính sách Việt Nam cần thực hiện nhanh để tăng tốc độ phục hồi kinh tế, chính sách tài khoá đi đầu. Việt Nam cần hiện đại hoá chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm  nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính./.

 
 Trọng Đông - Thuý Hà

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng