Tin tức

Công đoàn chăm lo cho lao động

Thứ ba, 03/05/2022 - 19:14

Các doanh nghiệp đang cần lượng lớn lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo để cùng doanh nghiệp nỗ lực thực hiện một số giải pháp hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động. Trọng tâm là bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động triển khai các chế độ, chính sách để giữ chân người lao động.


Công đoàn chăm lo cho lao động
 
Sau hai phiên thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2022 và 2023 từ ngày 01/7/2022 là 6% để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đây là tin vui, nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động. Theo phương án đề xuất, vùng I tăng 260.000 đồng, vùng II tăng 240.000 đồng, vùng III tăng 240.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. 

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh phòng, chống dịch, một năm rưỡi qua, người lao động không được tăng lương, đến nay kinh tế của chúng ta phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Các bên thấy cần thiết phải tăng lương. Tăng lương tối thiểu cũng là một động lực giúp cho doanh nghiệp là phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để giúp cho chúng ta phát triển bền vững. 

Trong khi chờ Chính phủ quyết định, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi cũng đã tính toán đến phương án tăng lương cho người lao động. Doanh nghiệp xác định đây là cách để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.  

Ông Võ Sĩ Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cho rằng:  Xây dựng lại tiền lương cho người lao động trên cơ sở là tăng hơn so với năm 2021, đáp ứng việc cạnh tranh thu nhập cho người lao động, tiến tới mức thu nhập cho người lao động từ 9,5 đến 10 triệu đồng, trong đó tiền lương bình quân từ 7,5 triệu – 8 triệu đồng. Ngoài ra các chính sách đồng bộ khác để chăm lo cho người lao động, các ngày lễ, sinh nhật tổ chức cho nhân viên, đi đôi với tăng năng suất các doanh nghiệp thì công ty cũng sẽ xem xét lại cơ cấu, thời gian tăng ca để người lao động đảm bảo sức khỏe gắn bó với công ty.

 

Hiện Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi có 204 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách để giữ chân người lao động, trong đó có chính sách tăng lương. Năm 2020, lương bình quân của công nhân tại doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi là gần 5 triệu đồng. Năm 2021 đã tăng lên là 5,4 triệu đồng.

Ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nói: Các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, đặc biệt các doanh nghiệp đều xây dựng thỏa ước lao động tập thể và trong thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều có lợi hơn cho người lao động. Đặc biệt trên địa bàn KKT Dung Quất và Vsip, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động vì vậy các chế độ nhìn chung tương đối tốt, và cao hơn quy định của pháp luật.
 
Tháng Công nhân được tổ chức vào tháng 5 hàng năm là đợt cao điểm để chăm lo cho đoàn viên công nhân, người lao động. Nhiều hoạt động chăm lo đang được các cấp Công đoàn Quảng Ngãi triển khai thực hiện giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần với nhau hơn. Đặc biệt năm nay hoạt động “Cảm ơn người lao động”  sẽ được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng.

Ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi nói: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho nên đời sống, việc làm của lao động càng ngày càng khó khăn hơn, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến lao động. Chúng tôi đã phát động trong các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở phải phối hợp với thủ trưởng cơ quan đơn vị, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động để chúng ta có hoạt động cảm ơn người lao động, qua đó động viên, khuyến khích lao động tăng gia sản xuất, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm góp phần cùng doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất để cho đời sống của lao động càng ngày tốt hơn.
 
Người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp. Liên tục cải thiện môi trường làm việc, duy trì chế độ phúc lợi kể cả trong lúc khó khăn để bảo toàn được lực lượng lao động. Đây là điều kiện quan trọng giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển ổn định sau đại dịch COVID-19.

 
Phi Khanh, Phúc Hảo/PTQ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng