Tin tức

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Thứ hai, 02/05/2022 - 16:13

Để Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.


Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.Ảnh: Phúc Hảo  
 
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, mật ong Na Ni đã xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tham gia vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt đã có mặt tại các sàn thương mại điện tử, bán hàng online. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ 1.000 lít mật ong. Trong đó, có 30% tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.  Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử lên 50% trong năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Thiện -Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Na Ni, nói:thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm của mình thì phải đưa thông tin sản phẩm của mình lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn thương mại điện tử như lazada, shopee, sàn thương mại điện tử OCOP. Nhờ sàn thương mại điện tử tôi đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt trên sàn thương mại điện tử.

 

Mật ong Na Ni xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.Ảnh: Phúc Hảo
 
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền trong tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu, nắm rõ những thông tin về sản phẩm và yên tâm tin tưởng lựa chọn. Từ tháng 8 năm 2021, Quảng Ngãi đã đưa các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn. Hầu hết các sản phẩm đều tiêu thụ khá tốt. Riêng sản phẩm OCOP hành, tỏi Lý Sơn được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn và tiêu thụ khá mạnh. Vụ tỏi vừa qua đã có 35 tấn tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Bà Phạm Thị Hà-Giám đốc Bưu điện huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, nói:Trong thời gian nhận đơn hàng, đơn vị nhanh chóng mua và đặt hàng từ người dân, hướng dẫn đóng gói. Thời gian 5 ngày đã gởi hàng đi các tỉnh khác.
 
Ngành nông nghiệp và Bưu điện tỉnh đang phối hợp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Trong đó, đưa 61 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh và lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác lên sàn giao dịch điện tử. Phấn đấu tổng sản phẩm giao dịch sàn thương mại điện tử 2.000 sản phẩm/tháng.
Ông Đỗ Tiến Đạt-Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi, cho biết:Qua sản phẩm tỉnh công nhận, ngành công thương đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đặc biệt thời gian qua chúng tôi liên kết với 1 số sở miền Trung Tây nguyên phối hợp với các sàn giao dịch để trao đổi sản phẩm này đưa lên sàn giao dịch của từng địa phương. Qua đó thấy kết quả khả quan.
 
Để cung cấp sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, đơn vị sản xuất chỉ cần có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như: hình ảnh, giá bán. Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi được đưa lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử và đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Trong đó, một số sản phẩm được khách hàng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn và đặt mua nhiều như: hành tỏi Lý Sơn, nấm Linh Chi và các sản phẩm từ nấm của Mộ Đức, bò khô Thu Ba, mật ong Na Ni và các sản phẩm OCOP của huyện miền núi Sơn Hà.
Ông Hồ Trọng Phương-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, nói:Khi sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao nó phải sống. Tất cả sản phẩm OCOP sau khi được công nhận phải được thương mại hóa, số hóa và đưa lên WEB. Người du lịch hoặc người dân đến Quảng Ngãi chỉ cần xem điện thoại là biết Quảng Ngãi có bao nhiêu sản phẩm và họ cần sản phẩm gì là phải có, tức là sản phẩm đó phải sống. Mục tiêu của chúng tôi là như vậy. Và đặc biệt sản phẩm sau khi được công nhận thì người dân phải được hưởng lợi và sản phẩm phải sống trên thị trường
 
Xác định việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và tăng cường hỗ trợ để đưa tất cả những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki...để mở rộng thị trường tiêu thụ.

 
Mai Hạnh
 
 
 
 
 
 
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng