Tin tức

Đồng Bào nghĩa là Đoàn Kết

Chủ nhật, 10/04/2022 - 17:23

Theo truyền thuyết, vua Hùng Vương thứ Nhất chính là con trai cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hùng Vương cũng đã trở thành biểu trưng của dân tộc Việt, sinh từ bọc "trăm trứng trăm con" thành một dân tộc gọi nhau là "đồng bào". Với dân tộc Việt Nam, hai tiếng Đồng Bào rất thiêng liêng.


Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: TTXVN
 
Từ truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ kết duyên với nhau, Âu Cơ có mang sinh ra một bọc, nở trăm trứng, đẻ trăm con, 50 người lên rừng, 50 người xuống biển, người con trai cả được tôn làm Vua đất Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương, truyền ngôi được 18 đời với nghĩa là 18 chi nhánh. Ngôi vua chung gọi cùng một danh hiệu là Hùng Vương.

Hùng Vương là biểu trưng của dân tộc Việt, sinh từ bọc «trăm trứng trăm con» thành một dân tộc gọi nhau là «đồng bào». Có dân tộc nào đầm ấm như vậy chăng ? 

Ngay từ lúc manh nha một quốc gia, đất nước chúng ta đã lấy hai chữ Đoàn Kết làm trọng, lấy hai chữ Đồng Bào làm thân thương máu thịt, lấy Hùng Vương làm danh xưng Quốc Tổ, lấy ngày giỗ Hùng Vương làm ngày Giỗ Tổ, là ngày cả dân tộc tụ về Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ). Từ 2000 năm trước, đã có cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". 

Đó là lời thề thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam, mà sau này, Hoàng Đế Lê Thánh Tông đã nhấn mạnh lại, khi Ngài nói với quan trấn thủ biên cương phương Bắc vào tháng 4 năm Quý Tỵ (1473): "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di. " (Theo « Đại Việt sử ký toàn thư »).

Ngày Giỗ Tổ 10 tháng 3 Âm lịch năm nay diễn ra khi đất nước và dân tộc Việt Nam vừa trải qua ách nạn đại dịch covid-19 mà cái đuôi của đại dịch này vẫn còn rơi rớt gây họa. Từ mọi miền trên Tổ quốc Việt Nam, người dân Việt lại hướng về Đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh, cầu mong cho đất nước phát triển an lành, nhân dân tai qua nạn khỏi, mỗi người dân đều được quyền sống trong hòa bình, quyền lao động và học tập, quyền ước mơ và hạnh phúc. Những tai ương rồi qua, niềm hy vọng lại trở về, tình nghĩa đồng bào được thử thách suốt hoạn nạn dịch bệnh lại tiếp tục ngời sáng trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Chưa bao giờ trong thời hòa bình mà tình nghĩa đồng bào lại trở nên lẽ sống thiết yếu với nhân dân chúng ta như đã từng thể hiện vô cùng đẹp đẽ và cảm động trong thời đỉnh dịch năm 2021.

Với dân tộc Việt Nam, hai tiếng Đồng Bào là thiêng liêng. Xin kính dâng hai tiếng thiêng liêng này lên bàn thờ Quốc Tổ trong ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. 

Với nhân dân Việt Nam chúng ta, Đồng Bào nghĩa là Đoàn Kết. Và Đoàn Kết nghĩa là sẽ vượt qua mọi thử thách dù khắc nghiệt nhất.

Nhà thơ Thanh Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng