Tin tức

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Sức mạnh đoàn kết dân tộc

Chủ nhật, 10/04/2022 - 16:21

Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có cội nguồn của mình, nhưng việc có chung một Tổ tiên, cùng thờ chung một ông Tổ thì là nét độc đáo riêng có của dân tộc Việt Nam. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm chính là dịp để những người con đất Việt ở khắp muôn nơi tưởng nhớ, tri ân công đức to lớn của các vua Hùng, những người đã có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và sức mạnh Việt Nam.



Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc, nơi quê cha đất Tổ nên năm nào gia đình bà Nguyễn Thị Huế cũng cố gắng thu xếp thời gian để lên Đền Hùng làm lễ vào dịp giỗ Tổ. Bà cũng luôn căn dặn con cháu phải trân trọng và tiếp nối truyền thống này. Bà Nguyễn Thị Huế - Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết: Mình là con cháu của Vua Hùng mình phải nhớ đến ngày giỗ của cụ lên để thắp hương cho các cụ với vua Hùng quê cha, đất Tổ. Năm nào cũng nhớ đến thắp hương cho vua Hùng.


Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp lễ ý nghĩa đối với những người con đất Tổ ở Phú Thọ mà là thời khắc thiêng liêng của tất cả người dân đất Việt. Bởi dân tộc Việt Nam cùng sinh ra từ bọc trăm trứng, có chung một dòng máu, cùng là con cháu vua Hùng. Vì thế, “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Dù bận rộn đến đâu, xa xôi cách mấy thì ai ai cũng muốn được trở về với cội nguồn dân tộc vào dịp lễ đặc biệt này. 

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: Nhớ về giỗ Tổ Hùng Vương, mặc dù nhưng  đường xá xa xôi nhưng Tôi vẫn  về thăm đền Hùng, thắp hương cầu mong một năm sức khỏe an lành, dịch bệnh tan biến.

Bà Đinh Thị Minh, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nói: Tôi tri ân báo hiếu tới vua cha mẫu mẹ, tới các vua Hùng, sau cầu cho gia đình, bản thân, xã tắc được bình an, mưa thuận gió hòa, mọi điều tươi tốt.


Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Sức lan tỏa và ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ngày càng lớn, chúng tôi cho rằng ý thức tổ tiên dân tộc, cội nguồn khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển ngày càng lớn nên càng thu hút được sự quan tâm của ng Việt trong và ngoài nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng ấy thậm chí đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại. Ngày 6/12/2012 đã đánh dấu một sự kiện trọng đại, là niềm tự hào của người dân đất Việt ở trong và ngoài nước khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UBNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

10 năm không quá dài nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh. Càng tự hào, mỗi người con đất Việt lại càng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy sức mạnh cội nguồn – sức mạnh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
 Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng