Tin tức

Mộ Đức phát triển đa dạng sản phẩm OCOP

Thứ bảy, 02/04/2022 - 18:33

Quảng Ngãi hiện có 61 sản phẩm OCOP. Trong đó, Mộ Đức là địa phương dẫn đầu có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Linh hoạt, chủ động thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) theo hướng đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, huyện Mộ Đức không áp đặt khi lựa chọn sản phẩm OCOP, mà tùy điều kiện, nhiều xã có thể chọn một sản phẩm để đẩy mạnh vùng nguyên liệu và tổ chức các hoạt động, kết nối giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

 

 
Sau 3 năm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức đã có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đó là gạo sạch Ấn Trà, gạo lứt Ấn Trà, trà gạo lứt Ấn Trà và bánh tráng gạo lứt Ấn Trà. Hiện các sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt trên thị trường khắp cả nước.
 

Bà Võ Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT
 
Bà Võ Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT cho biết: Hiện nay thị trường bán trong tỉnh, ngoài tỉnh có, chủ lực là trong tỉnh. Ngoài tỉnh thì Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng , Bình Dương.

 
 
Hợp tác xã nấm Đức Nhuận hiện có 6 sản phẩm OCOP. Trong đó, nấm linh chi là sản phẩm OCOP 4 sao. 5 sản phẩm OCOP 3 sao là nấm bào ngư, bột nem từ nấm bào ngư, khô sợi bào ngư, rượu Linh Chi và trà Linh Chi túi lọc. Được công nhận OCOP, sản phẩm của Hợp tác xã nấm Đức Nhuận được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hợp tác xã liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Các dòng sản phẩm của Hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận khá tốt.

 

Ông Lê Giang Phong, Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Ông Lê Giang Phong, Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho hay: Hiện nay, các mặt hàng bán đều trên các thị trường trải đều ở các cửa hàng OCOP, cửa hàng sạch, siêu thị, trên các trang mạng điện tử, cửa hàng online, bán rất chạy, rất nhanh, có đơn vị bán hàng online ngày bán cả trăm túi bột nem.

 
 
Xây dựng làng du lịch nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Một số địa phương có lợi thế đã xây dựng vườn mẫu, xây dựng những tuyến đường hoa để xây dựng làng du lịch nông nghiệp. Những vườn tạp, giờ đã trở thành những vườn canh tác có giá trị kinh tế cao. Đây là chủ trương xây dựng vườn mẫu của nhiều địa phương trong phát triển làng du lịch nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm ở huyện Mộ Đức.

 

Bà Phạm Thị Dung, Thôn An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Bà Phạm Thị Dung, Thôn An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi nói: Bây giờ trồng theo hướng hữu cơ chỉ dùng phân hưu cơ, phân trùn quế, làm đất cho  kỹ, nhổ cỏ, không dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu, chỉ dùng thuốc sinh học, chứ không dùng thuốc hóa học. Trước tiên bảo vệ cho mình đã. Hàng ngày mình tiếp xúc với rau nên chỉ dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: Du lịch cộng đồng, huyện xác định 2 khu. Đó là thôn 2 xã Đức Tân, gần khu lưu niệm Bác Đồng và thôn Dương Quang xã Đức Thắng. Trong những năm qua, huyện đã tổ chức quy hoạch rồi, từng bước đầu tư xây dựng khu dân cư kiểu mẫu gắn liền với du lịch cộng đồng đảm bảo khách du lịch đến tham quan.

 
 
Đến nay, huyện Mộ Đức đã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao. Mộ Đức cũng là địa phương dẫn đầu của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Năm 2022, huyện Mộ Đức phấn đấu có thêm từ 7 đến 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên và có từ 1 đến 2 sản phẩm được nâng hạng sao./.
 
Mai Hạnh, Phúc Hảo, Lương Triều/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng