Tin tức

Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước

Thứ năm, 24/03/2022 - 20:31

Hôm nay 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì ở điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi
 
Hiện Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế, khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Quy mô tài sản bình quân của 01 doanh nghiệp nhà nước là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã được cải thiện, thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lực cản trong quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần phải đổi mới tư duy về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp. Thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chế độ giám sát và đánh giá toàn diện. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Tiếp tục vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số./.
 
Tăng Thư, Mỹ An/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng