Tin tức

Trên vùng an toàn khu Ba Tơ

Thứ sáu, 11/03/2022 - 16:44

Hôm nay 11/3, kỷ niệm 77 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ. Chỉ sau 2 ngày Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, ngày 11/3/1945, quân và dân huyện Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nổi dậy giành được chính quyền. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã thể hiện tài trí trong tổ chức và hành động của các nhà hoạt động cách mạng ở Quảng Ngãi. Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thành công đã đánh dấu một mốc son lịch sử, tạo đà cho phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, Liên khu 5 và cả nước phát triển mạnh mẽ, thắng lợi to lớn để giành lại độc lập dân tộc. Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 5 xã và thị trấn Ba Tơ là vùng An toàn khu trong kháng chiến chống Pháp. Cũng từ đó, nhà nước đầu tư xây dựng một số công trình tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế xã hội. Vùng An toàn khu Ba Tơ giờ đây đã thay đổi thật nhiều.

 

Xã Ba Động huyện Ba Tơ
 
Xã Ba Động - nơi 77 năm về trước, quần chúng cách mạng theo lời Đảng sục sôi khởi nghĩa, giờ là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Ba Tơ. Con đường về thôn Suối Loa đã bê tông và những ngôi nhà mới mọc lên. Ngôi nhà của đồng chí Trần Toại, nơi từng là lối đi về của Đội du kích Ba Tơ là một trong 14 điểm di tích cuộc khởi nghĩa được nhà nước trùng tu.
 

Ông Huỳnh Hữu Duy Ka ở thôn Suối Loa

Ông Huỳnh Hữu Duy Ka ở thôn Suối Loa, từng đi qua bao mùa kháng chiến vui vì sự đổi thay trên quê hương mình. Ông Ka vui vẻ nói: Tui 90 năm tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng. Tui thấy quê hương mình đổi thay thật nhiều, cuộc sống của bà con khấm khá hơn.
 

Sông Liêng, nơi từng là điểm tiếp nhận lương thực dưới đồng bằng lên để chuyển về căn cứ Cao Muôn
 
Bên dòng sông Liêng, nơi từng có bến Buông là điểm tiếp nhận lương thực dưới đồng bằng lên để chuyển về căn cứ Cao Muôn, cầu bê tông cốt thép được xây cho người dân đi lại. Ở vùng Ba Vinh - nơi có núi Cao Muôn được Đội du kích chọn làm căn cứ và vùng Nước Sung - nơi Đội du kích cùng đồng bào làm lễ ăn thề cùng nhau một lòng đánh Nhật cứu nước giờ là làng quê yên bình.

 
 
Đồng bào dân tộc trồng lúa nước trên những cánh đồng ven dòng suối. Còn trên đồi bạt ngàn là rừng mây là rừng keo. Trong sự quan tâm của Đảng, nhà nước cùng sự cần cù, chịu khó của đồng bào, cuộc sống của bà con giờ đã khá dần lên.

 

Anh Phạm Văn Ne, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ

Anh Phạm Văn Ne, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ cho biết: Ở đây bà con ai cũng trồng keo. Trồng bán lấy tiền để xây dựng nhà cửa cho con ăn học.
 
Cùng với sự nỗ lực của người dân, huyện Ba Tơ cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ cho dân sản xuất. Mặt khác thông qua những chương trình nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học được xây dựng.

 

Ông Phạm Văn Rạch, chủ tịch UBND xã Ba Vinh

Ông Phạm Văn Rạch, chủ tịch UBND xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ cho rằng: Trên cơ sở đầu tư của nhà nước, địa phương có điều kiện phát triển sản xuất. Nếu năm 2016, toàn xã có 41% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2021, chỉ còn 13% hộ nghèo.
 
 
Không chỉ ở Ba Động, Ba Thành, Ba Vinh mà ở Ba Chùa, Ba Giang bây giờ cũng đã đổi thay khá nhiều. Đặc biệt, ở thị trấn Ba Tơ - nơi 77 năm trước có đồn Ba Tơ, Nha kiểm lý là mục tiêu của cuộc khởi nghĩa giờ là thị trấn sầm uất nhất so với các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi càng tô đậm rõ nét về sự đổi thay trên vùng An toàn khu.

 

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ

Từ khi nhà nước công nhận vùng ATK, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, cộng vào đó thông qua các chương trình cũng đã đầu tư để phát triển kinh tế xã hội vùng ATK. Đảng bộ và chính quyền Ba Tơ luôn tập trung chỉ đạo để phát triển kinh tế xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân nơi này.
 
Vùng An toàn khu Ba Tơ là vùng An toàn khu thứ hai trong cả nước. Càng tự hào về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, ngươi dân nơi đây càng vui hơn về sự đổi thay của quê hương./.
 
Quý Cầu, Thanh Trung /PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng