Tin tức

Tác động của xung đột Nga - Ukraine đến kinh tế việt nam

Thứ tư, 02/03/2022 - 14:51

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới. Trong đó,Việt Nam có thể hứng chịu ít nhiều tác động. Sau đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế.


Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới
 
Tính đến cuối năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và CH Liên bang Nga đạt khoảng 7,3 tỷ Đôla Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 4,5 tỷ đôla Mỹ. Với Ukraine, thương mại hai chiều mới đạt 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021. Tuy cả Nga và Ukraine đều không phải là đối tác lớn của Việt Nam, tác động trực tiếp từ căng thẳng 2 bên không ảnh hưởng quá lớn tới nước ta; tuy nhiên, những hệ lụy thì không thể tránh khỏi.

PGS.TS Phạm Hoàng Anh,  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, nói: Xung đột cộng với cấm vận sẽ làm sự khó khăn tăng lên, chi phí đội lên. XNK giữa 2 nước cũng sẽ bị chậm lại. Thêm 1 cái nữa bị ảnh hưởng đến các Doanh nghiệp Việt Nam đó là tỷ giá. Vì đồng Rúp bị mất giá, mặc dù các hợp đồng XNK của Việt Nam đều lấy đồng Euro. Nhưng khi đồng Rúp bị mất giá thì việc chuyển dịch từ đồng nội tệ sang ngoại tệ sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu của những đơn vị xuất khẩu của Việt Nam.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh, nói: Theo tôi, Nga vẫn là đối tác hợp tác toàn diện của chúng ta. Nên chúng ta sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động kinh tế thông thương giữa Nga và Việt Nam. Một mặt vừa có lợi cho ta và cũng có lợi cho họ. Nhất là các mặt hàng như Nông sản, Dầu khí.

Bên cạnh đó, khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT thì các khách hàng có hoạt động giao thương, đầu tư, mua bán các sản phẩm với Nga, trong đó có cả Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định, nhưng không quá nhiều.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết: Từ 2014 đến nay, các tổ chức tài chính của ta đã thanh toán với Nga qua nhiều kênh, và cũng thanh toán chủ yếu bằng USD chứ không bằng nội tệ của Nga. Các Ngân hàng của ta cũng đang tư vấn cho khách hàng những phương án thanh toán phù hợp, ví dụ qua kênh ngân hàng Việt Nga.

Các chuyên gia cũng cho rằng, rõ ràng cuộc chiến này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm gia tăng lạm phát. Vấn đề này cũng sẽ tạo sức ép cho Việt Nam trong ngắn hạn. Đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện hàng loạt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6-6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức không nhỏ.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng