Tin tức

Ông Phạm Thanh Biền và “ Nhạc lửa núi Cà Đam”

Thứ sáu, 25/02/2022 - 12:13

Đồng chí Phạm Thanh Biền có nhiều năm chung sống với bà con dân tộc Kor ở vùng núi Trà Bồng để hoạt động cách mạng, cùng Tỉnh ủy tập hợp sức mạnh đoàn kết các dân tộc và thành lập các đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ và đã làm nên cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng thắng lợi vẻ vang. Ông được bà con người Kor yêu thương, che chở, cùng bà con ăn những bữa cơm rau rừng nghèo cực, nói với bà con những lời tâm huyết và tha thiết nhất về Bác Hồ, về miền Bắc, về những người cộng sản. Sau giải phóng, nhiều lần lên thăm bà con và năm 1999, ông cũng là một trong hai nhân vật chính trong phim tài liệu “Nhạc lửa núi Cà Đam” của đạo diễn Đoàn Huy Giao và tác giả kịch bản là nhà thơ Thanh Thảo.

 

 
Năm 1999, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc khởi nghĩa Trà Bồng oanh liệt, đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao thuộc VTV Đà Nẵng lên kế hoạch làm một bộ phim tài liệu về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Anh Giao mời tôi tham gia làm bộ phim với nhiệm vụ viết kịch bản. Đó là cơ hội cho tôi cùng đoàn làm phim được lên đi thực tế trên Trà Bồng (lúc ấy chung huyện với Tây Trà) để viết kịch bản. Tôi cũng có cơ hội tới nhà thăm và làm việc với ông Phạm Thanh Biền - một trong những cán bộ Đảng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa này.
 
Bấy giờ ông Biền đã nghỉ hưu, tuy tuổi đã khá cao nhưng người vẫn nhanh nhẹn linh hoạt lắm. Biết tôi là con trai ông Hồ Thiết, ông Biền vui lắm. Ông nói với tôi: “Tôi biết anh từ lúc anh còn nhỏ xíu, tôi đã nhiều lần vào nhà anh ở Cầu Đập, thuở ấy anh mới 2 tuổi nhưng đã nói năng rành rõi lắm.” Mới được gặp “nhân vật chính” để tìm hiểu viết kịch bản phim mà được đối xử tươi vui bình đẳng như thế, tôi thấy rất nhẹ lòng. Và đúng là sau vài buổi làm việc với ông Phạm Thanh Biền, nghe ông kể về những ngày ông lên sống với bà con người Kor dưới chân núi Cà Đam để xây dựng chiến khu cách mạng năm 1955, rồi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Trà Bồng năm 1959 - cuộc khởi nghĩa đầu tiên của cả dải đất miền Nam - cuộc khởi nghĩa làm tiền đề cho Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Tôi nghe ông Biền kể mà hình dung những tháng năm ông cùng các đồng chí của mình chung sống với bà con người Kor, liên tục di chuyển để tránh những cuộc vây ráp của quân thù, cố gắng giữ gìn bí mật căn cứ và bảo vệ sinh mạng cho đồng chí của mình, tôi nghe và ghi chép, lại ghi chép và nghe, hình dung người cộng sản này đã tồn tại thế nào dưới bộ Luật 10/59 khủng khiếp của chế độ Ngô Đình Diệm.

 
 
Ông Phạm Thanh Biền là một con người giản dị, dễ gần, có thể tác phong ấy của ông có được nhờ những tháng năm chung sống với bà con dân tộc Kor, được bà con yêu thương, che chở, cùng bà con ăn những bữa cơm rau rừng nghèo cực, nói với bà con những lời tâm huyết và tha thiết nhất về Bác Hồ, về miền Bắc, về những người cộng sản.
 
Khi hoàn thành kịch bản được tôi viết với tràn đầy cảm xúc, nhiều đoạn như thơ văn xuôi, nhiều đoạn đưa những lời hát, những khúc a - giới của người Kor vào cùng hình ảnh hai nhân vật chính là già Biền và già Khang như hình ảnh hai già làng cách mạng. Đây là kịch bản khiến tôi và anh Đoàn Huy Giao đạo diễn rất ưng ý, vì được viết đầy xúc cảm và khắc họa được nhân vật chính cùng câu chuyện quanh cuộc khởi nghĩa Trà Bồng.
 
Xin được trích dưới đây mấy đoạn trong kịch bản văn học “Nhạc lửa núi Cà Đam” để tưởng nhớ ông Phạm Thanh Biền, người cộng sản, người bà con với dân tộc Kor, người khởi nghĩa đã qua đời khi vừa tròn 100 tuổi.
 
 “Một người Kinh, một người cộng sản bước chậm trên con đường rừng mà dường như ông đã thuộc từng gốc cây, từng hòn đá. Quê ông ở núi rừng Trà Bồng này chăng.

 
 
“Quê tôi tận miệt biển, nơi bây giờ đang xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng tôi đã lên với núi rừng từ năm 1951, và từ 1955, tôi ở hẳn với bà con người Kor, ở hẳn với những cây quế thơm như tâm hồn con người ở đây”. Ông Biền nói.

 
 
Tiếng đàn môi xác nhận: “Ông ấy đã ở đây, đó là người anh em của chúng tôi”. Lại tiếng đàn môi: “Nhưng vì sao ông và các đồng chí của ông phải xa biển, xa quê lên đây”.
 
“Xin hãy nhìn thấu ta trong lặng lẽ
                                hỡi già làng
                                áo ta mỏng lắm
                                tấm áo xanh bạc phếch dưới vầng trăng”
 
“Trong đêm tối, chúng tôi cùng anh em, chị em người Kor, người H’re, người Kà-dong dấu lửa mặt trời. Mặt trời trong những bếp hui hút. Những căm giận, nghẹn ngào cũng dấu trong những bếp hui hút ấy. Tiếng chiêng âm u nhưng không tuyệt vọng trong suốt những tháng năm trước ngày khởi nghĩa”.

 
 
Ông Biền nói.
Già làng Khang mài lưỡi mác bên bờ suối. Tiếng mài lưỡi thép lạnh xen với tiếng kèn A-máp: “Khuya ấy mùi hoa cau ngan ngát - thung lũng xa đong đầy sương xanh - lấp lánh bàn tay trước bếp lửa - những chấm hồng chấp chới bay lên”. Vâng, người Kor chúng tôi là một dân tộc hiếu khách, một dân tộc cởi mở và biết thể hiện mình qua tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng đàn môi. Chúng tôi trong và thật như nước suối. Lặng lẽ như nước suối. Sôi sục như nước suối. Bí ấn như nước suối.

 
 
Già Khang đưa lưỡi mác sáng xanh lên ngắm. Mắt ông phóng xa về phía ngọn núi Cà Đam. Đó là ngọn núi Mẹ của người Kor. Dưới chân núi ấy có ngôi làng của người thủ lĩnh lừng lẫy Phó mục Gia, người đã từng đánh Pháp từ thuở phong trào “Nước Su đỏ”. Ngày ấy, người Kor bán chiêng ché gom góp tiền lên tận Bắc Kon-Tum đổi Nước Thần về làm phép để đánh Pháp. Già Khang khỏa lưỡi mác xuống lòng suối. Dòng nước vẫn lặng lẽ chảy, ra sông Tang, ra sông Trà Bồng, về tới biển.
 
“Lên tới đỉnh Cà Đam nhìn xuống, thấy cù lao Ré sát một bên”.
 
Già Biền nói.
 
Người Kor yêu núi rừng và yêu biển. Biển không xa họ. Cách mạng đã từ biển lên rừng. Và cuộc khởi nghĩa bùng lên từ núi rừng lại tràn về phía biển.

 
 
Hai ông già ôm nhau, một người Kinh, một người Kor. Rừng quế, những cây quế cổ thụ giao cành, trầm mặc. Những nghĩa quân thuở nào lại lặng lẽ đi vào rừng quế. Những cuộc đời thẳng ngay như cây quế “thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”. Những hình ảnh đặc tả gương mặt cây quế và gương mặt người Kor. Hương quế là tiếng đàn môi gọi bạn, nói cùng bạn những điều tốt lành, thơm tho.
 
“Anh biết không, cái đàn môi (Rà-ngoái) này còn biết thù biết chửi nữa đấy!”

 
 
Già Khang nói: Nhưng tiếng đàn nói gì, thì chỉ người Kor biết, chỉ những người anh em cùng sống chết với họ, những người cùng họ khởi nghĩa, cùng đói cơm lạt muối với họ biết mà thôi.

 
 
Gặp những nghĩa quân ngày ấy. Họ không kể về cuộc khởi nghĩa mà họ hát về cuộc khởi nghĩa, họ a-giới về ngọn lửa ngày ấy. Họ xà-ru về những người đã dùng bẫy đá, chông thò đánh giặc, những người đã lao ngọn mác vào đồn Eo- Reo, Eo-Chim, những người đã ngã xuống. Họ cà-lu (hát tế thần) về ngọn núi Mẹ Cà Đam, về những con nước suối ngầm, về dòng sông Trà Bồng:
 
“Trâu này là trâu của đồng bào
Núi và nước đã nuôi trâu khôn lớn
Trâu ăn cỏ núi, cỏ núi sáng ánh mặt trời
Trâu uống nước suối, nước suối ngời ánh mặt trời
Ta nhớ mặt trời
Khắc sâu trong lòng, sâu hơn sẹo trên sừng trâu”
Bài hát hay nhất vẫn là bài hát về Lửa và về Nước.

 
 
Ông già Khang và ông già Biền về lại Gò Rô. Có một đài kỷ niệm đã được dựng lên, ghi nhớ cái địa danh đã trở thành đất thánh của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Vẫn cây, đá, núi. Chớp sáng hình bóng những nghĩa quân năm xưa. Ngọn lửa bây giờ vẫn đẹp như ngọn lửa ngày ấy, dù những nóc người Kor vẫn còn khổ. Tiếng kèn a-máp vẫn tỉ tê. Với người Kor, nghệ thuật không chỉ là phương tiện, là phương cách bày tỏ, mà đã là cứu cánh. Với họ, tiếng chiêng tiếng đàn tiếng kèn giống như nước uống, cơm ăn, như những người bạn chung thủy. Lại nghe tiếng đàn môi. Họ đang gửi lời kính thương đến hai người già của làng, của Trà Bồng, hai thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa:
 
“Người già của ta như cây quế trong rừng
Như nước sông Tang tận đầu nguồn
Như gió nghĩ ngợi trong vòm cây
Như đá soi mình xuống rẫy
Ta kính yêu người già
Đã thổi bùng ta
Như lửa trong bếp
Ta đứng lên như lửa trời như sấm sét
Đánh kẻ ác”

 
 
Bập bùng những ngọn lửa trong đêm. Người Kor nhảy múa, uống rượu đoát. Ở những bếp của một nóc nhà dài, đã lấp lánh ánh điện. Thủy điện Trà Bồng. Ngọn lửa của niềm vui. Ánh sáng của sự hiểu biết, của thời hiện đại. Ta bước vào một bếp khiêm nhường của người Kor hiếu khách. Ống kính camera đưa những ánh nhìn của người anh em tới từng góc khuất trong gian nhà nghèo nàn. Nhưng tất cả bỗng nhòa đi, khi tiếng đàn môi cất lên. Khi tiếng chiêng mẹ cất lên, u trầm. Khi ấy, tất cả, chủ và khách, đều được hóa thân thành ngọn lửa. Ngọn lửa của niềm vui sống, của hy vọng.

 
 
Ông già Biền kể: “Có một lần, trong những tháng ngày đen tối, tôi đi công tác một mình và bị ốm. Tôi lần tìm đến nhà một gia đình người Kor ở giữa rừng. Ở đó mười ngày, sốt thương hàn, ông già Kor đi câu cá kiếm từng con cá mại nhỏ. Gia đình lấy cả lúa giống làm gạo nấu cháo cho tôi ăn. Tình cảm, sự chăm sóc đó còn hơn cả gia đình quê hương ruột thịt. Từ đó, tôi cứ thầm nghĩ, quê hương mình là ở đây, ở núi rừng Trà Bồng này”.

 
 
Những đứa trẻ chạy lẫn vào cây, vào nắng. Những nụ cười ngạc nhiên và ngây thơ. Con đường đến lớp, đến trường của những chủ nhân tương lai của Trà Bồng còn đầy gập ghềnh. Một lớp học, một ngôi trường còn quá đơn sơ. Những ánh mắt trẻ em trong như nước suối.

 
 
Dòng sông Tang mang lửa mặt trời cuộn về phía biển. Ông già Khang cầm tay ông già Biền. Họ nhìn vào mắt nhau. Bốn mươi năm trước, họ cũng đã nhìn vào mắt nhau như vậy. Để thấy trong mắt nhau ngọn lửa của lòng yêu nước, của tình anh em, của ý chí cách mạng. Bây giờ, họ nhìn vào mắt nhau xem ngọn lửa ấy có còn, vẫn âm ỉ cháy, hay đã lụi tàn. Và họ thấy…

 
 
Lửa bập bùng, bập bùng tiếng chiêng. Âm nhạc dưới chân núi Cà Đam là âm nhạc của lửa. Và âm nhạc của nước. Kiên nhẫn. Thầm lặng. Tưởng như nhịp chiêng cứ đều đều, không bao giờ thay đổi.
 
“Tôi cũng nghe được những gì đồng bào Kor thân yêu của tôi nói, qua tiếng đàn môi. Tôi đã nghe tiếng đàn ấy từ nửa thế kỷ trước. Ngày ấy, tôi còn trẻ. Ngày ấy, suốt mười năm chung sống và làm cách mạng với người Kor, tôi chưa một lần về thăm gia đình. Nhà tôi gần biển. Lên đỉnh Cà Đam nhìn về biển, bao lần tôi tưởng đã nhìn thấy nhà mình”.
 
Ông già Biền nói.
 
Giọng hát A-giới:
 
“Đêm nay mình đến bạn
Như con mắt của bóng đêm tìm nhau
Như cái tay của ngọn lửa tìm nhau
Như hai chiếc lá tìm nhau
Như hai nỗi đau tìm nhau”

Ông già Biền lắng nghe. Đặc tả một gương mặt với cái nhìn xa xăm. Âm nhạc chỉ tồn tại khi có người nghe, có người thông cảm. Ông già Khang hát A-giới. Ông già Biền nghe và cảm thấu A-giới./.
 
Nhà thơ Thanh Thảo
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng