Tin tức

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thứ sáu, 18/02/2022 - 12:30

Sáng nay 18/02, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
 
Quảng Ngãi hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã đào tạo được hơn 57 ngàn học sinh, sinh viên. Tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng cường và đa dạng các phương thức truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đầu tư trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các nghề trọng điểm. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp. Quảng Ngãi cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, cụ thể, như: tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên; miễn giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề ngắn hạn cho các đối tượng đặc thù; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.
 
Tuy đạt được một số kết quả nhưng công tác tư vấn, tuyển sinh học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Những thay đổi trong cơ chế tuyển sinh đại học những năm qua, gây khó khăn về nguồn tuyển với các trường cao đẳng, trung cấp. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính tự chủ trong tự tạo việc làm, tự tìm kiếm việc làm của người lao động chưa được phát huy, trình độ tay nghề của người lao động nhìn chung còn thấp, nhận thức, tác phong làm việc chưa phù hợp với quy trình sản xuất công nghiệp. Đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập có cơ sở vật chất chưa đầy đủ và trang thiết bị dạy nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học nghề.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu các sở ngành, các trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên của người dân, tuyên truyền về hiệu quả đào tạo nghề một cách bài bản, bằng kết quả, hình ảnh và cuộc sống của người lao động sau khi học nghề. Rà soát lại cơ chế chính sách của TW, tỉnh và các doanh nghiệp về hỗ trợ đào tạo nghề để khuyến khích học sinh học nghề tại địa phương. Nghiên cứu thay đổi cơ chế để tìm đầu ra, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Có sự phối hợp, hỗ trợ học viên đi học nghề để ngày càng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh./.
 
Minh Hiền, Phúc Hảo/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng