Tin tức

Đưa học sinh trở lại trường học thống nhất trên cả nước nhưng không cứng nhắc

Thứ năm, 17/02/2022 - 19:40

Việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình mở cửa lại trường học từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng một số sở, ngành, địa phương.

 

Đưa học sinh trở lại trường học thống nhất trên cả nước nhưng không cứng nhắc
 
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 21 triệu học sinh trên toàn quốc đi học trực tiếp, đạt tỷ lệ hơn 93,7%. Trong đó, 54/63 tỉnh, thành đã cho học sinh bậc học Mầm non đến trường. 59/63 tỉnh, thành cho học sinh bậc học Tiểu học đến trường. 63/63 tỉnh, thành cho học sinh THCS, THPT đến trường. 100% cơ sở Đại học có kế hoạch dạy học trực tiếp.
 

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng một số sở, ngành, địa phương họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam để đánh giá tình hình mở cửa lại trường học
 
Tại Quảng Ngãi, từ ngày 07/02 đến nay, học sinh các cấp cũng đã trở lại trường. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp bậc Mầm non là hơn 41%. Đối với bậc Tiểu học, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hơn 88%. Đối với bậc THCS, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hơn 95%. Đối với bậc THPT, tỷ lệ này là hơn 94%. Hiện nay, Quảng Ngãi có 404 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và có 1.718 học sinh nhiễm COVID-19. Nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến phối hợp với việc giao bài cho học sinh trong thời gian cách ly, đảm bảo học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản cốt lõi nhất.
 
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua kiểm tra, một số địa phương khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương do cha mẹ còn nhiều lo lắng. Các trường học khó khăn khi thực hiện 5K vì không đảm bảo cơ sở vật chất. Việc tổ chức bán trú và dạy học 2 buổi/ngày còn khác nhau ở nhiều địa phương cũng gây khó khăn cho phụ huynh.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan. Việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các phương án phòng, chống dịch trong nhà trường phải chi tiết, liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông xuyên suốt. Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học. Có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị. Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khỏe trẻ em mắc bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, như một phần của chương trình cải cách giáo dục, thay vì chỉ triển khai trong thời gian dịch bệnh./.
 
Minh Hiền, Duy Hưng/PTQ
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng