Tin tức

Thách thức với các kỳ Olympic mùa Đông tương lai

Thứ ba, 15/02/2022 - 07:55

Câu chuyện biến đổi khí hậu đã được cảnh báo trong những năm gần đây, và nó lại một lần nữa nóng lên với việc Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 phải sử dụng gần như 100% tuyết nhân tạo.Không chỉ tiêu tốn tiền của và công sức, việc sử dụng tuyết nhân tạo còn ảnh hưởng đến quá trình thi đấu của các vận động viên khi tham dự. Mùa này qua mùa khác, nếu nhịp độ biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn thì người ta có quyền nghi ngờ về tương lai bấp bênh của các kỳ Olympic tiếp theo.


Thời tiết thách thức các kỳ Olympic mùa Đông tương lai.
 
Những sườn dốc phủ đầy tuyết trắng như thế này là kết quả lao động của hàng trăm công nhân,  sử dụng hàng chục máy tạo tuyết và hàng trăm máy thổi tuyết.

Ông Jacques Founier – Giám sát thi công tạo tuyết nhân tạo, nói: “Nhiệt độ ở đây xuống tới âm 10 độ C nhưng thời tiết khô nên không thể tạo tuyết. Nơi đây cũng có lượng mưa trung bình hàng năm khá thấp.”

Với 1,2 triệu mét khối tuyết, lần đầu tiên, biến đổi khí hậu đã khiến một kỳ Thế vận hội mùa Đông phải phụ thuộc gần như 100% vào tuyết nhân tạo. Chưa nói tới vấn đề tốn điện và tốn nước, nhiều vận động viên phàn nàn rằng bản thân các môn thể thao đã trở nên phức tạp và kém an toàn hơn khi sử dụng tuyết nhân tạo.

Anh Matt Cox – Vận động viên thi đấu Olympic, chia sẻ: “Tuyết nhân tạo dày và cứng hơn, vì thế ván trượt dễ dàng bị trượt đi trên nền tuyết và bạn dễ gặp tai nạn hơn.”

Thực tế, sử dụng tuyết nhân tạo đã và đang là xu thế tại các địa điểm tổ chức thi đấu thể thao mùa đông trên toàn thế giới khi biến đổi khí hậu khiến các địa điểm tổ chức khó có thể có thể đảm bảo lượng tuyết tự nhiên cần thiết. 

 

Tuyết trắng là kết quả lao động của hàng trăm công nhân,  sử dụng hàng chục máy tạo tuyết và hàng trăm máy thổi tuyết.

Cô Tessa Garte – Đại học Colorado-Boulder, nói: “Mối đe dọa lớn nhất với vùng núi lạnh giá là khí hậu đang dần ấm lên với tốc độ rất nhanh. Rõ ràng, điều này đang có ảnh hưởng lớn tới các kỳ thế vận hội Olympic.”

Thống kê cho thấy nhiệt độ được ghi nhận tại các kỳ Thế vận hội mùa đông đã tăng đều đặn. Từ mức trung bình 0,4 độ C trong những những năm 1920-1950 lên 3,1 độ C trong những năm 1960-1990 và 6,3 độ C trong thế kỷ 21. Năm 2010, Vancouver đã sử dụng đến máy bay trực thăng để vận chuyển tuyết khi tổ chức Olympic. Năm 2014, Sochi - thành phố ấm nhất từng đăng cai Thế vận hội mùa đông - phải tích trữ hàng tấn tuyết từ mùa đông trước để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
 
Ông Sven Daniel Wolfe – Chuyên gia địa lý học, Đại học Lausanne, nói: “Nếu không hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu, về lâu dài nhiều khu vực sẽ phải nói lời chia tay với các môn thể thao mùa đông.”

Theo nghiên cứu từ Đại học Waterloo, với tốc độ nóng lên như hiện nay, vào thập niên 2080, chỉ còn một thành phố là Sapporo, Nhật Bản trong số 21 địa điểm từng là nơi tổ chức Olympic mùa đông vẫn tiếp tục phù hợp để đăng cai sự kiện này. Điều này cho thấy khó vãn hồi các kỳ thế vận hội mùa đông sôi động trên thế giới trong tương lai./.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng