Tin tức

Năm Nhâm Dần kể chuyện thờ Bạch Hổ

Thứ ba, 01/02/2022 - 18:09

Năm nay là năm Nhâm Dần, năm con hổ. Xếp thứ 3 trong 12 con giáp, hổ rất dũng mãnh, được xem là chúa của muôn loài thú. Người xưa sùng bái và tôn thờ hổ và gọi bằng nhiều cái tên trân trọng như: ngài, ông. Ở mỗi vùng, mỗi dân tộc có một sự tích thờ hổ khác nhau. Riêng ở huyện Trà Bồng có huyền thoại thần Bạch Hổ sơn quân gắn với lễ thờ thánh mẫu Thiên Y Ana tại Điện Trường Bà và được duy trì cho đến tận ngày nay.

 
Lăng thờ Bạch hổ sơn quân ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Quanh năm nghi ngút khói hương. Lăng thờ được xây dựng vào năm 1973, năm Quý Sửu. Bên cạnh lăng thờ là tượng Bạch Hổ ngồi trên phiến đá. Những dịp lễ, Tết, người dân ở thị trấn Trà Xuân đều tổ chức cúng bái thần Bạch Hổ rất trang trọng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Ông Nguyễn Ngọc Lý đã là đời thứ 4. Ông Nguyễn Ngọc Lý, Thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ hồi xưa đến giờ, tức hồi trước ông nội, ông cao, ông cố tui, ông cha tui rồi tới đời của tui và tiếp nối theo vấn đề này truyền thống để giữ.

Bạch hổ là vua của các loài hổ. Người dân ở huyện Trà Bồng ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về thần Bạch Hổ sơn quân. Thời xa xưa ở vùng đất quế Trà Bồng có một hổ trắng và được dân làng kính trọng gọi là Ông hổ đi tu. Bởi hổ nhưng không ăn thịt người và bảo vệ dân làng trước các loài thú dữ khác. Ông Bạch Hổ là một trong những vị tướng của thánh mẫu Thiên Y Ana, một vị thần cả người Việt và người Chăm thờ phụng.

 

Ông Trần Kim Thật, Trưởng Ban Quản lý Điện Trường Bà tại huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết thêm: Lúc bấy giờ khai thiên lập địa thì ngài là người đi dẹp loạn. Những cọp hung cọp dữ xuống bắt heo, bắt người thì ngài đi dẹp loạn. Tới ngày lễ, ngài về quy tụ tại điện bà,  tức ngày 16 tháng 4 âm lịch hàng năm và 16 tháng 9. Trong quá trình giai đoạn lịch sử có để lại di tích, lịch sử ấy thì ngài được công nhận là đại tướng quân chi thần, đệ tử của bà hay thánh mẫu bên cạnh nhiều tướng lĩnh, thần linh đã che chở cho Nhân dân, bá tánh và khi ngài già đi lâm tịch ở nơi này.

Điện Trường Bà, di tích văn hoá quốc gia. Bên trái điện có một am nhỏ thờ Bạch Hổ sơn quân, vốn là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na. Được tổ chức vào Rằm tháng 4 hằng năm, lễ hội điện Trường Bà đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội có đông đảo bà con các dân tộc khắp nơi hội tụ về. Ngoài cúng tế thánh mẫu Thiên Y Ana, các vị thần được thờ phụng trong chánh điện, người dân còn cúng tế thần Bạch Hổ sơn quân để cầu xin bình an.

Ông Châu Đình Hoàng, Thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng nói: Khấn cho quê hương đất nước nguồn bà, cầu cho quốc thái dân an, đất nước hòa bình, toàn dân, riêng Trà  Bồng, thị trấn Trà Xuân này con em đều mạnh giỏi, tết tươi được sum họp vui vẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, tục thờ thần hổ trong điện mẫu đã khẳng định uy quyền, sức mạnh của các vị thần tự nhiên trong hệ thống bách thần của người Việt. Ở huyện Trà Bồng ngày nay, người dân vẫn còn duy trì tục thờ thần Bạch Hổ gắn với thờ thánh mẫu chính là ghi nhớ công lao của những người mở đất.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Việc thờ thần hổ như tại Trà Bồng hay một vài nơi khác có ban thờ riêng cũng là cách để người ta nhớ về buổi đầu khai mở đất đai tại xứ mình sinh sống. Rồi cũng là dịp người ta ôn lại lịch sử thành lập làng xã tạo nên sự cố kết cộng đồng làng xã trong làng xã đó. 

Hổ là linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh, sự hùng cường. Thờ thần hổ là văn hoá tốt đẹp của người dân Trà Bồng và nhiều vùng miền. Hổ sẽ được nhắc đến nhiều trong năm Nhâm Dần 2022. Sức mạnh như hổ trong một năm Nhâm Dần sẽ là hy vọng, là động lực giúp chúng ta vượt qua những khó khăn do dịch bệnh và gặt hái được nhiều thành công./.

 
Phi Khanh, Trường Thịnh/PTQ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng